Những loại nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm, hay thậm chí nhỏ đến cỡ micro-nano, được gọi là vi nhựa, và chúng có thể là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe con người.
Theo Nhật báo Khoa học Công nghệ Trung Quốc, một bài viết công bố mới đây trên tạp chí học thuật quốc tế “Journal of Advanced Research” (Tạp chí Nghiên cứu nâng cao) cho biết, nhóm của Giáo sư Hạ Ngạn Khải thuộc Đại học Y Nam Kinh và nhóm của Giáo sư Lạc Vĩnh Minh tại Viện nghiên cứu Thổ nhưỡng Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã lần đầu tiên tìm thấy một số lượng nhất định các loại vi nhựa và hạt thuốc nhuộm trong mẫu huyết khối ở người.
Giáo sư Hạ Ngạn Khải khi trả lời truyền thông ngày 29/9 cho rằng, “các yếu tố môi trường, đặc biệt là các vi nhựa và hạt thuốc nhuộm, có thể có sự liên quan tiềm ẩn đến việc hình thành huyết khối.”
Cùng với sự mở rộng không ngừng về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp, ngày càng có nhiều vật liệu tổng hợp nhân tạo xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của con người, các mảnh vụn chất thải và vi nhựa sản sinh trong quá trình sản xuất cũng tăng lên nhiều hơn trong môi trường.
Phó Giáo sư Ngô Địch, một tác giả của bài viết, cho rằng vi nhựa đang trở thành một loại chất ô nhiễm mới trên toàn cầu. Đây là những hạt nhựa khó phân hủy có đường kính chỉ ở mức nanomet và micromet. “Chúng có nhiều trong đại dương, đất, thậm chí có thể được thân rễ thực vật hấp thụ vào chuỗi thức ăn.”
Nhóm nghiên cứu đã dành hơn một năm để thu thập và phân tích 24 mẫu huyết khối bóc tách động mạch chủ ở người và 2 mẫu thuyên tắc động mạch cấp tính ở người, tìm thấy tổng cộng 87 hạt trong đó. Các hạt này bao gồm 1 hạt polyetylen mật độ thấp, 22 hạt thuốc nhuộm, những hạt còn lại là hợp chất sắt và oxit kim loại. Kích thước hạt nằm trong khoảng 2,1-26 micron, đường kính của hạt polyetylen mật độ thấp là 5,1 micron. Các hạt này có hình dạng không đều nhau.
Vậy làm thế nào để vi nhựa và các hạt thuốc nhuộm góp phần hình thành huyết khối? Nhóm nghiên cứu thấy rằng số lượng vi nhựa và hạt thuốc nhộm phát hiện được ở bệnh nhân có mối tương quan lớn với mức độ tiểu cầu, và dựa trên cơ sở này, một giả thuyết đã được đưa ra. “Chúng tôi giả thuyết rằng có các huyết khối nhỏ với lõi là các hạt như vi nhựa ở trong máu, các huyết khối nhỏ này liên tục thu hút các hạt khác trong máu, làm cho cục huyết khối không ngừng lớn lên. Ngoài ra, sự gia tăng của hạt như vi nhựa trong hệ thống máu, có thể làm tăng xác suất va chạm giữa các huyết khối nhỏ, tiểu cầu và các hạt, từ đó đẩy nhanh sự hình thành của huyết khối", giáo sư Hạ Ngạn Khải chia sẻ.
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra vi nhựa tồn tại trong cơ thể con người. Năm 2021, một nhóm nghiên cứu của Đại học Nam Kinh đã công bố một kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, phát hiện những người tham gia chương trình nghiên cứu thường uống nước đóng chai, ăn thức ăn mang đi và làm việc tiếp xúc với bụi, trong phân của họ có nhiều vi nhựa hơn, trong khi hàm lượng vi nhựa trong cơ thể tăng cao còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm đường ruột.
Năm 2022, một nhóm nghiên cứu do Đại học VU Amsterdam (Vrije Universiteit Amsterdam) ở Hà Lan dẫn dắt đã xuất bản một bài báo trên tạp chí “Môi trường Quốc tế” xác nhận lần đầu tiên tìm thấy vi nhựa trong máu của con người./.