Các vụ đốt kinh Koran vấp phải phản ứng gay gắt từ các nước có đa số dân là người Hồi giáo, khi hành vi này còn được lo ngại sẽ góp phần kích động tuần hành và bạo lực tại một số nơi.

Một loạt các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia và Ai Cập đã nhanh chóng triệu phái viên của cả Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này. Mới nhất, hãng thông tấn quốc gia Lebanon ngày hôm qua đưa tin chính phủ nước này sẽ đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa với Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối hành vi báng bổ kinh Koran ở hai quốc gia Bắc Âu này.

Để xoa dịu tình hình, chính phủ Đan Mạch vừa thông báo sẽ nghiên cứu các biện pháp pháp lý để chấm dứt các vụ biểu tình có hành động đốt sách thánh trong một số trường hợp. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đan Mạch lưu ý rằng các phần tử cực đoan đang tìm cách dàn xếp các cuộc biểu tình, buộc chính phủ Đan Mạch phải nghiên cứu các biện pháp can thiệp những tình huống mà “các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác đang bị xúc phạm, và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh.”

Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết: “Trong tình huống mà chúng ta đang gặp phải, chính phủ đã lựa chọn giải quyết vấn đề trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều đó có nghĩa là mặc dù chưa thể đưa ra giải pháp cuối cùng, song trên thực tế chúng ta có thể gửi tín hiệu cho những người tại Đan Mạch và những người nước ngoài rằng chúng ta đang nghiên cứu giải pháp đó, hy vọng sẽ giúp giảm leo thang các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Để thể hiện ý chí chính trị, chúng tôi đang thực hiện điều này một cách nghiêm túc, không phải vì chúng tôi cảm thấy áp lực phải làm vậy, mà là vì lợi ích tốt nhất của tất cả mọi người”.

Chính phủ Thụy Điển cũng vừa thông báo sẽ xem xét khả năng thay đổi Đạo luật Trật tự công cộng, với mục đích trao cho lực lượng cảnh sát quyền ngăn chặn các cuộc biểu tình có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia này. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom hôm qua (31/7) cho biết đã gửi thư tới tất cả 57 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để giải thích quyền hội họp của Thụy Điển và lên án các hành vi bài Hồi giáo.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cùng ngày tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng theo hình thức trực tuyến, trao đổi về hành vi đốt kinh Koran liên tiếp xảy ra gần đây ở Thụy Điển và Đan Mạch.

Tổ chức này kêu gọi các quốc gia thành viên có hành động thích hợp, dù là chính trị hay kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia nơi kinh Koran đang bị báng bổ. Trong khi đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa nhằm chống lại các phát ngôn thù hận.