Truyền thông châu Âu cho rằng, động thái này sẽ gửi đi một thông điệp rất mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga. Ba Lan - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là quốc gia ủng hộ trung thành đối với Ukraine, có chung đường biên giới với cả vùng lãnh thổ Kaliningrad và Belarus, đồng minh của Moscow.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chia sẻ, sẵn sàng ủng hộ nếu các đồng minh của Ba Lan quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của nước này, nhằm tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO.

Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2022, Ba Lan đã tăng đáng kể đầu tư vũ khí quân sự và mua hàng trăm xe tăng, pháo các loại, chủ yếu từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, nước này vẫn lo ngại về một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra của Nga, đặc biệt nếu vũ khí được đặt ở Belarus - quốc gia có chung đường biên giới (400 km) với Ba Lan.

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc triển khai tên lửa hạt nhân tiên tiến của Mỹ trên khắp nước châu Âu là hành động không cần thiết, nhưng nó vẫn có thể đóng vai trò ngăn chặn mạnh mẽ những nguy cơ về an ninh từ Nga. Đồng thời cho biết thêm, các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân giữa Ba Lan và Mỹ đã diễn ra được một thời gian trước đó.

Ngày 22/4, Thủ tướng Donald Tusk, người có cùng quan điểm với ông Duda về an ninh quốc gia cho biết, ông cần thảo luận khẩn cấp về đề xuất này.

Tại Moscow, phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết, bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan sẽ phải tuân theo các bước cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga.

Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ phân tích tình hình nếu những kế hoạch như vậy được thực hiện, đồng thời cũng như sẽ làm mọi thứ cần thiết để trả đũa và đảm bảo an toàn cho Moscow.