Trong một cuộc họp của WTO tại Geneva, Thụy Sỹ hồi tuần trước, Senegal, Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh các quyết định của Ấn Độ, cho rằng việc dừng xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có tác động nghiêm trọng đến thị trường toàn cầu.

Hồi tháng Năm, Ấn Độ bắt đầu hạn chế việc xuất khẩu lúa mỳ để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Đến đầu tháng Chín, quốc gia Nam Á này tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế xuất khẩu 20% lên mặt hàng gạo trắng và gạo lứt để đảm bảo không xáo trộn nguồn cung trong nước, trong bối cảnh năng suất vụ mùa vừa qua sụt giảm.

Trong tuyên bố bảo vệ quyết định cấm xuất khẩu 2 mặt hàng lương thực của mình, Ấn Độ cho biết chỉ cấm xuất khẩu với gạo tấm, vốn sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Căn cứ để Ấn Độ đưa ra quyết định là việc giá ngũ cốc xuất khẩu đang tăng trong những tháng qua đã gây áp lực lên thị trường trong nước. Trong trường hợp lúa mỳ, các quan ngại về an ninh lương thực đòi hỏi Chính phủ phải hạn chế xuất khẩu.

“Ấn Độ cũng nói rõ rằng các biện pháp này về mặt bản chất là tạm thời và sẽ liên tục được đánh giá” - Một quan chức Ấn Độ phát biểu tại cuộc họp của WTO.

Trong khi đó, Senegal, một trong những bạn hàng lớn của gạo tấm và các sản phẩm từ gạo khác của Ấn Độ, thúc giục nước này duy trì chính sách thương mại mở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Điều này sẽ đảm bảo nguồn cung lương thực hợp lý. Tại cuộc họp, Thái Lan, Australia, Uruguay, Mỹ, Canada, Brazil, New Zealand, Paraguay và Nhật Bản đề nghị tham vấn với Ấn Độ liên quan tới việc sử dụng ‘Điều khoản hòa bình’ để bảo vệ các chương trình dự trữ lương thực của nước này trước các tranh chấp thương mại.

Hồi tháng 4, Ấn Độ đã viện dẫn ‘Điều khoản hòa bình’, vì vượt quá mức trần 10% đối với hỗ trợ mà nước này dành cho nông dân trồng lúa. Nước này thông báo với WTO việc sử dụng ‘Điều khoản hòa bình’ của WTO để hỗ trợ vượt mức cho nông dân trồng lúa trong niên vụ 2020-21 nhằm đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực của người nghèo.

Theo ‘Điều khoản hòa bình’, các nước thành viên WTO không được thách thức bất kỳ vi phạm nào đối với mức trần trợ cấp quy định do một nước đang phát triển đưa ra tại cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. 

Trợ cấp vượt và cao hơn mức trần quy định được coi là sự bóp méo thương mại. Giới hạn được cố định ở mức 10% giá trị sản xuất lương thực cho các nước đang phát triển như Ấn Độ.

Ấn Độ đã lên tiếng yêu cầu các thành viên WTO tìm ra một giải pháp lâu dài cho vấn đề này nhưng vẫn chưa có tiến triển nào cho đến nay./.