Indonesia cũng đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi tăng cường vaccine lần 2 ngừa Covid-19 cho người dân. Đây là cuộc khảo sát huyết thanh học (serosurvey) lần thứ ba được tổ chức trên toàn quốc với sự hợp tác giữa Bộ Y tế Indonesia và Khoa Y tế Công cộng (FKM) thuộc Đại học Indonesia (UI). Kết quả huyết thanh học cho thấy, số lượng dân số có kháng thể chống lại Covid-19 tăng lên 98,5% vào tháng 7/2022, so với mức từ 87,8% vào tháng 12/2021. Cuộc khảo sát thứ ba được thực hiện với hơn 20.500 mẫu máu từ 100 thành phố và khu vực trên khắp cả nước.

Theo các nhà dịch tễ học, những người tham gia đến từ khắp Indonesia, phản ánh mức độ kháng thể của người dân trên toàn quốc. Kháng thể gia tăng trong cộng đồng thông qua việc tiêm chủng hoặc đã nhiễm bệnh.

Các kết quả khảo sát cho thấy việc tiêm phòng nhắc lại là rất quan trọng. Các nhà dịch tễ học cũng cho biết, tỷ lệ bao phủ cho mũi tiêm vaccine tăng cường đầu tiên chỉ đạt khoảng 28%, còn xa so với mục tiêu đã xác định là 50%. Do đó, Indonesia cần sớm hoàn thành mục tiêu tiêm liều tăng cường thứ nhất, trước khi mở rộng liều tăng cường thứ hai cho người dân. Đợt tiêm nhắc lại đợt 2 được triển khai tại Indonesia bắt đầu từ ngày 29/7, giúp bổ sung khả năng miễn dịch, nếu hiệu quả của các liều vaccine đầu tiên giảm theo thời gian. Liều tăng cường thứ 2 được tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng sau đợt nhắc lại đầu tiên.

Mặc dù tỷ lệ người dân có mức kháng thể cao nhưng Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia vẫn đề nghị chính quyền địa phương cần phải tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy định y tế, đặc biệt tại những nơi công cộng. Theo lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, tỷ lệ mắc Covid-19 tại quốc gia này đã tăng từ mức 5,12% lên mức 10,05% trong 5 tuần qua. Tuy nhiên tỷ lệ vẫn thấp hơn so với đỉnh làn sóng Omicron và Delta tại Indonesia trước đây./.