Sau hơn một tuần trời liên tục mưa, chị Pel, ở làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku cùng mọi người trong gia đình rà soát khắp vườn nhà để loại bỏ nước đọng, diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết.

Chị Pel cho biết, đây là việc làm thường xuyên của gia đình chị từ đầu mùa mưa đến nay: “Gia đình tôi chưa có ai bị sốt xuất huyết, nên phải đề phòng, phải vệ sinh nhà cửa. Khi đi ngủ phải mắc màn, xung quanh nhà có nước tồn phải đổ đi, vệ sinh xung quanh vườn và nhà”.

Bà Đinh Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND xã Biển Hồ thông tin, từ đầu năm đến nay, xã đã ghi nhận 15 ổ dịch tại các thôn, làng với trên 20 ca mắc sốt xuất huyết. Chính quyền xã đã nhanh chóng có các biện pháp để khoanh vùng các ổ dịch, tuyên truyền nhân dân nâng cao tinh thần phòng chống sốt xuất huyết.

“Sau khi phát hiện ổ dịch, xã đã phối hợp với trạm y tế và y tế thôn bản cùng với người dân ra quân phát quang bụi rậm, dọn dẹp tồn đọng nước để diệt lăng quăng, trứng bọ gậy. Đồng thời chỉ đạo trạm y tế báo cáo với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai để hỗ trợ, cung cấp hóa chất để phun, phòng ở các ổ dịch trong phạm vi 200 mét nên các ổ dịch được khống chế”, bà Hoa nói.

Huyện Ia Grai là một trong những địa phương ghi nhận dịch sốt xuất huyết phức tạp nhất tỉnh Gia Lai với gần 370 ca mắc trong năm nay. Theo ông Ngân Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, hiện đơn vị đang điều trị cho 20 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5 bệnh nhân, phần đông là các công nhân cạo mủ cao su: “Trung tâm cũng đã tham mưu cho ban chỉ đạo UBND huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát động nhiều đợt toàn dân tích cực hưởng ứng tổng vệ sinh môi trường diệt loăng quăng bọ gậy. Đóng chân trên địa bàn huyện là các công nhân của công ty cao su, các đội sản xuất công nông trường thì các ổ dịch vẫn còn loăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt là chén, dụng cụ cạo mủ cao su vẫn tồn tại. Xác định được nguyên nhân thì trung tâm đã tham mưu, xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã lên đến 2.821 ca (trong đó, có 1 trường hợp tử vong). Dịch sốt xuất huyết xảy ra tại 131/220 xã, phường, thị trấn của tất cả các huyện, thị xã, thành phố.  

Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, có 3 trong tổng số 4 tuýp sốt xuất huyết đang lưu hành tại tỉnh, gồm DEN 1, DEN 2 và DEN 4. Vì vậy sẽ còn tiếp tục phức tạp trong thời gian tới, dự kiến đỉnh dịch rơi vào tháng 8 và tháng 9. Chính vì vậy, loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy là việc các gia đình cần phải làm thường xuyên trong công tác phòng chống, bệnh sốt xuất huyết.

“Trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo tuýp đã định được thì nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong trong thời gian tới có diễn biến rất phức tạp. Thời tiết có mưa rồi tạnh, nước đọng là một điều kiện thuận lợi cho muỗi, sốt xuất huyết phát triển. Đề nghị các địa phương tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương về công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết để làm sao loại bỏ việc phát triển loăng quăng bọ gậy, nếu chúng ta dùng chum vại, bể để chứa nước thì phải dùng nắp đậy để muỗi không vào phát triển được trong đó”, ông Nam nói./.