BS Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc, hiện trẻ đi học trở lại nên tỉ lệ bệnh có tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang điều trị nội trú cho khoảng 16 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 1 ca chuyển nặng. Theo bác sĩ Quy, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có 4-5 ca phải nhập viện điều trị.

Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường nổi những bóng nước ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, mông và các vết loét ở trong miệng. Tuy nhiên trong số những trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có những trẻ không có các dấu hiệu điển hình kể trên. Trẻ nhỏ sốt cao, chảy nước bọt  - biểu hiện này khiến gia đình dễ nhầm lẫn với việc trẻ mọc răng. Vì thế, khi thấy trẻ sốt cao liên tục không hạ, chảy nước bọt, cần sớm đưa con đến các cơ sơ y tế để thăm khám.

"Các bậc phụ huynh có con em sốt có thể theo dõi những ngày đầu, cho trẻ uống hạ sốt, lau mát, ăn thức ăn dễ tiêu... Tuy nhiên, nếu như sau 1 ngày mà trẻ vẫn sốt thì cần đi khám, điều trị" - BS Quy nhấn mạnh.

Với trẻ bị bệnh tay chân miệng được điều trị ngoại trú thường sẽ uống thuốc theo toa, cha mẹ cho trẻ hạ sốt khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay... Nếu trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. 

Theo BS Dư Tuấn Quy, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. 

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ lành bệnh. Bên cạnh đó, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, thân thể, tăng cường bổ sung các loại nước trái cây, vitamin C, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, ưu tiên đồ ăn trẻ yêu thích. Các thức ăn quá chua hay quá mặn có thể làm các vết loét trong miệng nghiêm trọng hơn vì vậy các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý.

"Đặc biệt quan trọng khi chăm sóc trẻ ở nhà, phụ huynh cần theo dõi chuyển độ ở trẻ như trẻ sốt cao liên tục không hạ, giật mình chới với. Đây là 2 dấu hiệu thường gặp khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, trẻ nôn ói, quấy khóc liên tục, tay chân yếu liệt, run rẩy... thì nên đưa đi viện sớm để điều trị kịp thời" - bác sĩ Quy khuyến cáo./.