Mới đây, Hãng thông tấn lớn nhất Trung Quốc - Tân Hoa Xã đã có bài viết ca ngợi bóng đá Việt Nam với thành tích bất bại tại SEA Games và thứ bậc không ngừng đi lên trên bảng xếp hạng của FIFA.

“Gợi ý nào cho Trung Quốc trước sự thay đổi lớn lao của cục diện bóng đá Đông Nam Á?” - phóng viên Tân Hoa Xã mở đầu bài viết bằng sự kiện đội U22 Việt Nam bước vào vòng chung kết SEA Games với thành tích bất bại.

Theo bài viết, sự kiện này đã viết lại lịch sử gần 50 năm qua khi Thái Lan và Malaysia luôn là các đội thay nhau giành chức vô địch kể từ năm 1975 thì nay họ đã phải nhường đường cho Việt Nam, quốc gia "10 năm mài kiếm" dốc lực đào tạo bóng đá trẻ, bước vào chung kết.

thanh_chung_vov_ltiv.jpg
Báo Trung Quốc dành lời có cánh cho sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam thời gian qua (Ảnh: Ngọc Duy0.

Bài viết cho rằng, tốc độ "trỗi dậy" của bóng đá Việt Nam là quá nhanh và đằng sau đó là những nỗ lực to lớn dành cho đào tạo trẻ suốt hơn 10 năm, thành quả đó được thể hiện qua sự đi lên của Đội bóng quốc gia và trình độ giải bóng đá vô địch quốc gia. Theo tác giả, sự bền bỉ và nỗ lực phát triển bóng đá trẻ của Việt Nam, có thể đem lại một số gợi ý cho nền bóng đá đang "u ám ngập ngừng" của Trung Quốc.

Bài báo nhấn mạnh, đằng sau việc 3 ứng cử viên huy chương vàng "hot" nhất của SEA Games là Philippines, Thái Lan và Malaysia lần lượt thảm bại đều có những yếu tố "tất yếu". Trong đó, nước chủ nhà vốn không phải là đội mạnh nhất khu vực, trong khi sự "sa sút" của hai đội còn lại là biểu hiện của "văn hóa truyền thống" thất bại trước "khoa học công nghệ".

Mặc dù là đại diện số 1 của phong cách bóng đá Đông Nam Á như Thái Lan hay chịu ảnh hưởng của bóng đá Anh với nền tảng sâu dày như Malaysia, dường như đều đã không theo kịp những bước tiến trong thời đại bóng đá phát triển ngày càng hiện đại và khoa học với vai trò ngày càng quan trọng của bóng đá trẻ như hôm nay.

Tác giả đã dẫn chứng những thành công của Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á mà ở đó ĐT Việt Nam đang đứng đầu bảng và có cơ hội rất lớn lọt vào 12 đội mạnh nhất lần đầu tiên trong lịch sử, cũng như việc Việt Nam đứng thứ 94 trên bảng xếp hạng của FIFA, bỏ xa các nước láng giềng Đông Nam Á.

Bài viết lật lại những thành tích của U23 Việt Nam tại các giải U23 châu Á năm 2018 và giải châu Á đầu năm nay; cho rằng, những cầu thủ như Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh sau những tôi rèn tại các giải đấu lớn không thể không tạo nên "sóng gió" tại SEA Games.

Bài viết cũng dẫn chứng các lò đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam do các doanh nhân bỏ tiền đầu tư bài bản từ năm 2007 đến nay, như Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal, hay Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), rồi các lò ở Hà Nội, Nghệ An.

Theo tác giả, nếu các cơ sở đào tạo trẻ là đôi cánh cho bóng đá Việt Nam bay lên, thì các giải đấu dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau chính là "động cơ" và "làn xanh" giúp bóng đá trẻ Việt Nam phát triển và đi lên chuyên nghiệp.

Sau khi nhắc lại thất bại của đội U22 Trung Quốc trước U22 Việt Nam hồi tháng 9 và câu nói nổi tiếng của cựu danh thủ Trung Quốc - Phạm Chí Nghị "Tiếp theo chúng ta sẽ thua Việt Nam".

Cùng câu trả lời của huấn luận viên Park Hang Seo khi được hỏi về lời khuyên cho bóng đá Trung Quốc, rằng: "Điều tôi có thể nói về bóng đá Việt Nam là tất cả các cầu thủ Việt Nam đều có tinh thần chiến đấu rất cao và không bao giờ bỏ cuộc".

Bài báo kết luận, để những lời tiên đoán không thành hiện thực, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay với Trung Quốc chính là học theo con đường của Việt Nam, phát triển thực chất đào tạo bóng đá trẻ.

Bài viết sau đó đã được cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ và cho rằng việc Trung Quốc phải học Việt Nam như bài báo đề cập là hoàn toàn đúng./.