Trên trang Twitter, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố video cho thấy một trong số các bệ phóng Avenger lắp đặt trên xe Humvee, đồng thời cho biết: “Hệ thống Avenger hiện đang nằm trong tay quân đội Ukraine”.

Avenger (có nghĩa là "Kẻ báo thù") còn được biết đến với tên gọi khác AN/TWQ-1, là một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn của quân đội Mỹ, do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Boeing chế tạo, được đưa vào sử dụng từ năm 1989. Hệ thống được thiết kế để bảo vệ các đơn vị chiến đấu trên tiền tuyến trước các cuộc tấn công của máy bay không người lái, tên lửa hành trình, trực thăng và máy bay bay tầm thấp.

Các binh sỹ Ukraine vận hành hệ thống Avenger. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine

Avenger có hai bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 4 tên lửa vác vai FIM-92 Stinger và một súng máy M3P cỡ nòng 12,7 mm. Bệ phóng thường đặt trên khung gầm xe đa dụng Humvee, nhưng cũng có thể bố trí ở trận địa cố định hoặc trên nóc các tòa nhà. Stinger là tên lửa đất đối không hạng nhẹ, dẫn đường bằng tia hồng ngoại, rất hiệu quả trong việc tấn công máy bay và trực thăng.

Tên lửa Stinger có phạm vi hoạt động lên tới 8.000m và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lên tới 3.800m. Súng máy M3P giúp cung cấp thêm một lớp phòng thủ chống lại các mục tiêu trên mặt đất hoặc mục tiêu bay thấp trong trường hợp cần thiết. M3P ưu tiên đối phó với các mối đe dọa ở cự ly gần khi việc sử dụng tên lửa Stinger không cần thiết. Phạm vi hoạt động tối đa của súng máy có thể lên tới 6.800m.

Tổ hợp Avenger có kíp lái 2 thành viên, bao gồm người lái và chỉ huy. Nó được trang bị camera hồng ngoại, kính ngắm quang học, máy tính, thiết bị thông tin liên lạc; hệ thống xác định khoảng cách bằng laser giúp xác định vị trí của mục tiêu cả ngày lẫn đêm. Các hệ thống này cho phép hệ thống thu thập và theo dõi mục tiêu một cách hiệu quả trong các điều kiện thời tiết và ánh sáng khác nhau.

Khả năng triển khai và định vị nhanh chóng của Avenger khiến hệ thống trở thành tài sản quý giá cho lực lượng mặt đất. Trong khi đó, sự kết hợp tên lửa Stinger và súng M3P giúp nó có thể thích ứng và hoạt động hiệu quả trong nhiều tình huống chiến đấu.

Trong những năm qua, Mỹ đã nhiều lần tiến hành nâng cấp để cải thiện khả năng và duy trì hiệu quả của Avenger nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Hệ thống từng được triển khai trong nhiều cuộc xung đột như chiến tranh vùng Vịnh, các cuộc giao tranh Afghanistan và Iraq, xung đột tại Syria và hiện tại là cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Tử huyệt” của Avenger

Ukraine đã chuyển giao các tổ hợp Avenger cho bộ chỉ huy quân sự miền bắc của nước này – cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hệ thống phòng thủ bên trong và xung quanh Kiev, Chernihiv cùng các thành phố quan trọng khác. Nhiều nhà quan sát đã tỏ ra bất ngờ về quyết định của Ukraine vì Avenger là hệ thống phòng không trên tiền tuyến, chủ yếu dùng để bảo vệ các đơn vị bộ binh khi họ tiến công.

Ông David Axe, một nhà bình luận quân sự người Mỹ, cho rằng việc Ukraine triển khai Avenger đến những nơi không có các cuộc giao tranh quy mô lớn cho thấy hệ thống này có thể có một số nhược điểm nhất định và nhược điểm đó sẽ khiến nó khó phát huy hiệu quả trong môi trường chiến đấu cường độ cao.

Trước hết, hệ thống Avenger sử dụng khung gầm xe Humvee không bọc thép, khiến nó dễ trở thành mục tiêu tấn công của nhiều loại vũ khí, trong đó có cả vũ khí nhỏ. Về cơ bản, hệ thống có thể bị một xạ thủ bắn hạ ở khoảng cách gần. Trong một bản hướng dẫn năm 2016, quân đội Mỹ cảnh báo rằng, “không nên tích hợp các hệ thống Avenger vào lực lượng cơ động khi đối đầu trực diện với đối phương trên chiến trường”.  

Cách đây nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ từng cho rằng, sức mạnh của lực lượng không quân sẽ cho phép họ nhanh chóng kiểm soát bầu trời trong bất cứ cuộc xung đột nào. Do đó họ đã dừng phát triển những phương tiện phòng không bọc thép mới và chuyển giao một số lượng lớn xe quân sự Humvee không bọc thép gắn các bệ phóng Avengers cho lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng minh rằng, ngay cả những lực lượng không quân có công nghệ quân sự và số lượng máy bay chiến đấu vượt trội như Không quân Nga, việc giành ưu thế trên chiến trường rất khó khăn. Nhận thức được vấn đề này, quân đội Mỹ đã và đang phát triển hai hệ thống vũ khí laser phòng không mới, trong đó có vũ khí công suất 50 kilowatt và vũ khí công suất 300 kilowatt trang bị trên xe bọc thép Stryker do General Dynamics sản xuất.

Vũ khí laser công suất 50 kilowatt sẽ được sử dụng để bắn hạ tên lửa tầm ngắn, đạn pháo và máy bay không người lái. Ngược lại, vũ khí laser công suất 300 kilowatt sẽ được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình. Tuy nhiên, Mỹ chưa có kế hoạch chuyển giao các hệ thống vũ khí này cho Ukraine, vì thế khả năng sử dụng hệ thống Avenger của Ukraine có thể bị hạn chế.  

Quân đội Mỹ đã khuyến nghị các chỉ huy Ukraine sử dụng Avenger để hộ tống những đoàn xe tiếp tế, phương tiện chỉ huy và pháo binh thay vì chuyển giao hệ thống cho các đơn vị bộ binh trên tiền tuyến. Điều này có thể giúp Avenger tránh xa những trận chiến dữ dội nhất. Song trong trường hợp khẩn cấp, kíp vận hành Avenger có thể phải chấp nhận rủi ro đối đâu trực diện với đối phương./.