Giai đoạn những năm 1950 là thời điểm đáng chú ý với chiến lược phòng thủ của Mỹ. Đây là giai đoạn vũ khí hạt nhân đã xuất hiện trên nhiều lục địa, đồng thời đặt nền móng cho việc xây dựng kế hoạch phòng thủ dựa trên bộ 3 răn đe hạt nhân: tức là khả năng của một quốc gia nhằm tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân bằng các hệ thống vũ khí trên không, trên biển và trên bộ.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Liên Xô đã nỗ lực phát triển năng lực tấn công phủ đầu và đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang lớn, dẫn tới việc phát triển những ý tưởng và công nghệ lạ lẫm. Máy bay ném bom có khả năng tấn công hạt nhân XB-70 Valkyrie là một trong những ví dụ điển hình.  

Trong kho vũ khí của Mỹ vào cuối những năm 1950 có hai loại máy bay ném bom chiến lược chủ chốt là B-52 Stratofortress và B-58 Hustler. B-52 có tốc độ bay trung bình khoảng 1.000km/giờ, tầm bay tối đa 16.000km và trần bay lên tới 15km. Máy bay này ném bom ở độ cao từ 9.000 đến 10.000m. Với tầm bay như vậy, B-52 có khả năng tiếp cận lãnh thổ Liên Xô – đối thủ chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng xét về tốc độ, máy bay này vẫn chậm hơn so với nhiều máy bay đánh chặn của Liên Xô.

B-58 Hustler là máy bay ném bom phản lực đầu tiên của Mỹ đạt được tốc độ siêu thanh Mach 2. Máy bay được trang bị 4 động cơ General Electric J79-GE-5A. Tuy vậy, nhược điểm của B-58 là tầm bay khá hạn chế, tối đa vào khoảng 7.500km, khó có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Vì thế, lực lượng không quân Mỹ cần một máy bay ném bom chiến lược mới, có thể hoạt động tầm xa, vượt trội so với các máy bay chiến đấu của đối phương và mang theo tải trọng hạt nhân lớn.

Công ty sản xuất hàng không vũ trụ North American Aviation của Mỹ – hiện là một phần của tập đoàn Boeing đã thiết kế và chế tạo thành công máy bay ném bom XB-70 Valkyrie – chiếc máy bay lớn nhất và nặng nhất thời bấy giờ có tốc độ bay đạt tới Mach 3 (nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh).

Chiếc máy bay đi trước thời đại

XB-70 Valkyrie ra đời vào cuối những năm 1950, được cho là một kỳ tích về đổi mới kỹ thuật. Nó có thể duy trì tốc độ khoảng 3.705 km/giờ nhờ 6 động cơ phản lực cỡ lớn, phạm vi hoạt động đạt 6.900km, trần bay khoảng 23.000m. Chiếc máy bay này dài 57,6 m, sải cánh 32 m. Phi hành đoàn có 2 người. XB-70 Valkyrie có tải trọng rỗng 115 tấn, tải trọng cất cánh tối đa đạt 246 tấn.

Trong trường hợp máy bay bay ở độ cao hơn 21.000m, buồng lái có chức năng điều áp (tức là giữ cho áp suất không khí ở mức bình thường trong một không gian kín khi áp suất bên ngoài cao hoặc thấp hơn áp suất ở bên trong). Điều này khiến phi công của Valkyrie không cần phải mặc những bộ quần áo cồng kềnh như phi công lái SR-71 Blackbird - ra đời sau khoảng 1 thập kỷ nhưng có tốc độ và hoạt động ở độ cao tương tự.

Thông thường khi máy bay di chuyển, ma sát của không khí bên ngoài sẽ khiến lớp vỏ máy bay bị nóng, khiến nhiệt độ trong buồng lái tăng cao. Vì thế, các kỹ sư đã tránh sử dụng các phương pháp và vật liệu dùng để chế tạo máy bay truyền thống, thay vào đó họ sử dụng nguyên vật liệu kết hợp giữa thép và titan có kết cấu tổ ong. Nhiên liệu sẽ được tái sử dụng để giúp làm mát và lưu thông không khí giúp giảm sức nóng.

Số phận hẩm hiu

Dù vượt trội so với nhiều loại máy bay ném bom thời bấy giờ, nhưng đối thủ lớn nhất của XB-70 là tên lửa. Khi Mỹ đang trong quá trình hoàn thiện máy bay ném bom XB-70 Valkyrie thì những tiến bộ về công nghệ tên lửa đã dần lấp đầy chỗ trống của máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa. Chỉ một thời gian ngắn sau khi máy bay này được hoàn thiện, Liên Xô cũng đã phát triển được những tên lửa đất đối không có khả năng vươn tới những độ cao lớn hơn, thậm chí đạt tới trần bay của XB-70.

Chưa kể, việc phát triển XB-70 cũng gặp phải khá nhiều trở ngại. Trước và sau khi thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ban đầu, các kỹ sư đều gặp phải những thách thức đòi hỏi phải thiết kế lại, rất tốn kém về mặt kinh phí.

Nhưng mọi thứ không hoàn toàn thất vọng. Các chuyên gia quân sự cho rằng, Valkyrie vẫn là một máy bay ném bom tiên tiến nhất ở thời điểm đó, trong khi những thách thức trong quá trình phát triển đã mang lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá về thiết kế và chế tạo máy bay. NASA đã hợp tác với không quân Mỹ trong dự án này, đồng thời sử dụng chiếc máy bay Valkyrie đầu tiên để thu thập thông tin về các chuyến bay siêu thanh. Từ những bài học được rút ra từ nguyên mẫu đầu tiên, Mỹ đã chế tạo chiếc Valkyrie thứ hai. Theo một số báo cáo chiếc máy bay này thậm chí hoạt động tốt hơn so với chiếc đầu.

Tuy nhiên, chiếc máy bay Valkyrie thứ hai thứ hai đã bị rơi vào tháng 6/1966 sau vụ va chạm trên không với chiếc F-104 Starfighter trong lúc thực hiện màn bay đội hình. Vụ va chạm đã khiến một phi công của Valkyrie tử nạn và phi công khác bị thương nặng, còn phi công lái chiếc F-104 Starfighter cũng thiệt mạng.

Chiếc máy Valkyrie còn lại tiếp tục được NASA nghiên cứu cho đến năm 1969 và sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia của Lực lượng Không quân Mỹ gần Dayton, Ohio./.