Các máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ đã trở thành mối đe dọa đối với cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra. Không chỉ Ukraine mà cả Nga cũng phải tìm mọi cách đối phó với mối đe dọa ngày càng phổ biến trên chiến trường này.

Một đoạn video gần đây cho thấy UAV của Ukraine “âm thầm” theo dõi các hệ thống phòng không của Nga. Những chiếc UAV như vậy có thể tấn công trực tiếp hoặc chỉ điểm cho pháo binh khai hỏa chính xác vào mục tiêu Nga.

Báo cáo dài 193 trang của Giáo sư Sergey Makarenko thuộc Đại học Kỹ thuật Điện St. Petersburg (LETI) đã chỉ ra điểm yếu của hệ thông phòng không Nga trong việc đối phó với máy bay không người lái.

Báo cáo đề cập hiệu quả của các hệ thống phòng không Nga như hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir S1, pháo phòng không tự hành Tunguska, hệ thống tên lửa đất đối không Tor, hệ thống phòng thủ tầm gần Strela-10 và hệ thống phòng không vác vai Igla-S. Các hệ thống phòng không này đều thất bại khi đối phó với UAV. Ngay cả những tính năng phức tạp mà các nhà phát triển công bố cũng “chưa được xác nhận đầy đủ” trên thực tế.

Theo ông Makarenko, việc bắn hạ các UAV cỡ nhỏ là “bất khả thi trên thực tế” vì radar của Nga không thể nhìn thấy chúng.

Các radar chiến thuật của Nga được thiết kế để phát hiện các máy bay cỡ lỡn di chuyển nhanh chứ không phải các mục tiêu nhỏ, di chuyển chậm.

“Kết quả thử nghiệm thực địa cho thấy radar phát hiện mục tiêu của hệ thống phòng không Tor chỉ có thể phát hiện các UAV nhỏ ở phạm vi 3-4 km”, ông Makarenko cho hay.

Do đó, hệ thống Tor không thể phát hiện ra UAV trừ khi chúng ở đủ gần, nhưng khi đó sẽ khó bắn hạ UAV hơn.

“Gót chân Achilles” của phòng không Nga

“Thực tế sử dụng hệ thống Tor để bắn hạ mục tiêu cỡ nhỏ cho thấy hiệu quả tương đối thấp. Nguyên nhân chính là do hệ thống kiểm soát kích nổ đầu đạn đất đối không không hoàn hảo và có sai số lớn trong việc theo dõi mục tiêu và dẫn đường tên lửa vào các máy bay không người lái cỡ nhỏ”, báo cáo cho hay.

Pantsir cũng gặp phải vấn đề tương tự. Kết quả thử nghiệm thực địa cho thấy việc bắn tên lửa vào các UAV cỡ nhỏ trên thực tế là không thể. Khi hệ thống phát hiện ra UAV thì mục tiêu đã nằm trong tầm bắn tối thiểu của tên lửa, khiến chúng không thể bắn trúng.

Một vấn đề khác là các hệ thống phòng không này là phải bắn rất nhiều đạn để tiêu diệt một UAV cỡ nhỏ.

“Về cơ bản, có thể sử dụng các quả đạn của hệ thống phòng không để chống lại UAV, nhưng do UAV có kích thước nhỏ nên khả năng chúng bị bắn trúng là khá thấp”, ông Makarenko phân tích.

Trong một cuộc thử nghiệm vào năm 2020, khẩu đội Panstsir đã khai hỏa vào một UAV di chuyển chậm nhưng không đánh trúng mục tiêu mặc dù đã bắn nhiều loạt đạn.

Tunguska cũng gặp vấn đề tương tự. Hệ thống này cần bắn rất nhiều loạt đạn mới có thể bắn trúng UAV.

“Khi bắn vào một chiếc UAV mini loại Akila ở khoảng cách 3km, để đạt được giá trị xác suất có điều kiện bắn trúng mục tiêu bằng 0,5 thì cần tiêu tốn từ 4.000-13.000 quả đạn pháo”, ông Makarenko nói.

Tunguska có thể bắn 5.000 viên đạn mỗi phút từ 2 khẩu pháo nhưng chỉ mang được tổng cộng 1.904 viên đạn. Dựa trên dữ liệu này, UAV phải bay lượn trong tầm bắn đủ lâu để người điều khiển phòng không Nga xả đạn, nạp lại và sau đó tiếp tục bắn thì mới có có 50% cơ hội bắn trúng.

Tên lửa tầm nhiệt Strela cũng gặp khó khăn trong việc khóa mục tiêu vào UAV cỡ nhỏ vì chúng có tín hiệu hồng ngoại thấp. Ông Makarenko cho biết thêm, hầu hết các tên lửa tầm nhiệt đất đối không của Nga đều được trang bị ngòi nổ tác động, hiệu quả cao khi đối phó với các mục tiêu lớn như máy bay nhưng không hiệu quả với mục tiêu cỡ nhỏ như UAV.

Một số tên lửa được trang bị ngòi nổ cận đích. Số lượng mảnh đạn ít sẽ là cách tốt nhất để tiêu diệt máy bay lớn, nhưng chúng lại dễ dàng bắn trượt UAV cỡ nhỏ.

UAV bầy đàn

Các hệ thống phòng không hiện tại của Nga cũng thật sự không hiệu quả khi đối phó với UAV bầy đàn.

“Số lượng mục tiêu bắn hạ đồng thời của Pantsir-S2 là 3 và của Tor-M2 là 4. Trong trường hợp này, các mục tiêu bị bắn hạ đồng thời phải nằm trong vùng quan sát của radar dẫn đường. Kết quả là không thể bắn hạ đồng thời các nhiều mục tiêu tấn công từ các hướng khác nhau”, tác giả nhận định.

Ông Makarenko tính toán rằng một hệ thống phòng không tiêu chuẩn sẽ nhanh chóng cạn kiệt đạn dược mà không ngăn chặn được một bầy đàn 15 UAV đang tấn công.

“Các UAV hạng nhẹ và giá rẻ có thể làm tê liệt bất kỳ lực lượng phòng không nào”, ông Makarenko cho biết thêm.

Hiện nay Nga cũng đang thử nghiệm nhiều giải pháp khác để đối phó với UAV như các hệ thống tác chiến điện tử để áp chế và làm chệch hướng các UAV cỡ nhỏ mang chất nổ của Ukraine. Moscow thậm chí còn thử gắn các thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến RP-377, được thiết kế để chặn các tín hiệu kích nổ bom ven đường được kích hoạt bằng sóng vô tuyến, trên xe tăng và các phương tiện khác nhằm ngăn chặn các tín hiệu điều khiển UAV.