Sự xuất hiện của một hệ thống rải mìn từ xa tinh vi và hiện đại của quân đội Nga ở miền Nam Ukraine đã cho thấy thách thức lớn mà các lực lượng Ukraine có thể phải đối mặt, khi tiến hành cuộc phản công nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Kherson, phía Nam sông Dnipro và bán đảo Crimea.
Vai trò của hệ thống rải mìn Zemledeliye
Các bãi mìn không chỉ là mối đe dọa ngay lập tức với cuộc phản công của các lực lượng Ukraine mà còn gây ra nhiều vấn đề lâu dài đối với kế hoạch giành lại các vùng lãnh thổ của Kiev.
Trang tin Army Recognition cho biết, hệ thống rải mìn từ xa thông minh ISDM Zemledeliye đã xuất hiện trong chiến dịch quân sự của Nga. Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, hệ thống phóng các tên lửa 122mm chứa đầy mìn tại một khu vực chưa xác định ở Zaporizhzhia, phía Đông Kherson.
Hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye được các kỹ sư Liên Xô bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ những năm 1970 và biên chế cho quân đội từ năm 2020. Hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải quân sự Kamaz 6560 8x8, có 1 cabin dành cho tổ lái ở phía trước và 2 giá treo 25 ống phóng tên lửa 122mm, có thể phóng mình chống tăng hoặc mìn sát thương.
ISDM Zemledeliye có khả năng phóng mìn bao phủ một khu vực rộng lớn bằng diện tích của vài sân bóng đá trong vòng vài phút. Tên lửa của Zemledeliye sử dụng nhiên liệu rắn mang theo mìn có tầm bắn từ 5-15 km.
Toàn bộ tổ hợp ISDM Zemledeliye bao gồm một phương tiện phóng với 50 tên lửa 122 mm được nạp mìn sát thương hoặc mìn chống tăng phân tán, và một phương tiện chuyển tải – tái nạp tên lửa. Việc nạp tên lửa cho thiết bị phóng được thực hiện rất nhanh chóng.
Xe phóng của hệ thống ISDM Zemledeliye được tích hợp hệ thống định vị vệ tinh, máy tính và thiết bị quan trắc thời tiết, cho phép người điều khiển điều chỉnh và tính đến tác động của thời tiết đối với đường bay của tên lửa. Để gia tăng khả năng bảo vệ, xe phóng cũng được trang bị súng phóng lựu ở mỗi bên của cabin điều khiển nằm ở phía sau cabin của tổ lái. Đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa công bố chính xác số lượng Zemledeliye mà quân đội nước này đang sở hữu. Trong cuộc tập trận "Zapad-2021" vào mùa thu năm 2021, Nga cho biết đã sử dụng kết hợp các hệ thống Zemledeliye và bệ phóng đạn nhiệt áp TOS-1A Buratino để chống lại xe tăng của đối phương giả định.
Sự xuất hiện của hệ thống rải mìn Zemledeliye tại Zaporizhzhia cho thấy Nga nhiều khả năng đang thiết lập một “pháo đài phòng thủ kiên cố” ở khu vực này. Zaporizhzhia có cảng Melitopol chiến lược nằm trên bờ Biển Đen, được coi là cửa phụ dẫn vào Kherson và khu vực mà Nga đang kiểm soát nằm giữa sông Dnipro với dải đất hẹp nối lục địa Ukraine với Bán đảo Crimea.
Các lực lượng Ukraine đã chiếm được phía Bắc tỉnh Kherson rộng lớn, trong đó có cả thành phố Kherson vào đầu tháng 11/2022. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Bộ Tư lệnh tác chiến miền Nam Ukraine phát động một cuộc phản công lớn kể từ đầu mùa Xuân. Nhưng hiện giờ, các cuộc giao trang đang chững lại khi quân đội 2 nước phải đối mặt với thời tiết đầu Đông, khiến nhiều tuyến đường ngập trong bùn lầy. Giới phân tích cho rằng các trận đánh có thể diễn ra ác liệt hơn khi mặt đất đóng băng trong một vài tuần tới do nhiệt độ giảm mạnh.
Nga triển khai hệ thống rải mìn Zemledeliye tại Zaporizhzhia. Nguồn: Twitter
Tính toán chiến lược của Nga
Cả quân đội của Nga lẫn Ukraine đều đang nỗ lực củng cố tuyến phòng thủ của mỗi bên ở hai bên bờ sông Dnipro. Ukraine được cho là đã điều hoạt động đặc nhiệm tới Bản đảo Kinburn – một dải đất hẹp nằm ở phía Nam cửa sông Dnipro, khiến Nga phải bố trí lực lượng ngăn chặn rìa phía Đông của bán đảo.
Giới phân tích cho rằng, khi Ukraine bắt đầu thực hiện cuộc tấn công lớn tiếp theo, họ có thể nhắm vào Zaporizhzhia – nơi hệ thống phòng thủ của Nga mỏng hơn và có ít nút thắt cổ chai lớn về mặt địa lý. Các nguồn tin từ Nga cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine đang chuẩn bị tiến công Zaporizhzhia và pháo binh Nga đã dội hỏa lực vào các lực lượng Ukraine đang tập trung tại Hulyaipole, nằm phía bắc giới tuyến tại Zaporizhzhia.
Trong bài bình luận mang tên “Cách Nga tiến hành chiến dịch quân sự”, hai tác giả Lester Grau và Charles Bartles nhận định, giống như nhiều quân đội hiện đại và cơ giới hóa, quân đội Nga rải mìn để “củng cố tuyến phòng thủ của họ và dồn đối phương vào các vành đai lửa bên trong hàng phòng thủ”.
Quân đội Nga được cho đang triển khai tên lửa chống tăng, pháo chống tăng và pháo binh tại những khu vực cần tập trung hỏa lực để gây sát thương một cách lớn nhất có thể, được gọi là “Kill Zone”, chẳng hạn như thung lũng hẹp – nơi quân đội đối phương dễ tiến vào nhưng lại khó rút lui. Chiến thuật của Nga là hướng các lực lượng đối phương tiến vào khu vực Kill Zone bằng cách làm cho những tuyến đường khác trở nên khó di chuyển hơn do bị bẫy mìn.
Cả Nga lẫn Ukraine đều triển khai các bẫy mìn xung quanh giới tuyến. Các lực lượng Ukraine có thể nắm rõ những khu vực rải mìn của họ nhưng lại khó đoán định vị trí rải mìn chính xác của phía Nga. Để phát hiện các bẫy mìn, chỉ huy các lực lượng quân sự phải vận dụng kinh nghiệm và sự suy đoán của họ. Nhưng suy đoán này không phải lúc nào cũng chính xác và đôi khi khiến họ chịu tổn thất lớn.
Mặc dù quân đội hiện đại có rất nhiều cách để tìm kiếm và vô hiệu hóa mìn, song việc rà phá bom mìn cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine được cho là đang chạy đua với thời gian để đạt được những bước tiến trên chiến trường nhằm mở đường cho cuộc phản công lớn.
Theo một số chuyên gia, Nga đã cài mìn tại Zaporizhzhia để giúp các đơn vị của họ đang đồn trú ở đây có thể “bẻ lái” cuộc tấn công của Ukraine và đưa họ đến khu vực “Kill Zone” nhằm ngăn chặn đà tiến của đối phương, đồng thời kéo dài thời gian để chờ lực lượng tiếp viện đến./.