Ngày 16/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần Xét hỏi với 11 bị cáo có kháng cáo trong vụ án Việt Á. Trong số các bị cáo, Phan Quốc Việt bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án. Theo tòa phúc thẩm, hành vi của Phan Quốc Việt là xuyên suốt trong cả vụ án. Ở cấp sơ thẩm, Việt bị tuyên tổng cộng 29 năm tù về 2 tội danh là “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó Việt đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trình bày tại tòa phúc thẩm, Phan Quốc Việt mong muốn tòa xem xét lại bối cảnh và bản chất của hành vi phạm tội. Theo bị cáo Việt, trước hoàn cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, khó có thể không phạm tội. Bị cáo cho biết đến bây giờ cũng không được ai hướng dẫn phải chống dịch như thế nào để không vi phạm pháp luật. “Bị cáo mong được giải đáp thắc mắc này, để bị cáo đi tù tâm lý cũng thoải mái hơn" - Phan Quốc Việt trình bày.

Ở phiên phúc thẩm, tòa cũng xem xét kháng cáo của người thân bị cáo Phan Quốc Việt (mẹ và vợ) đề nghị hủy kê biên với 54 sổ tiết kiệm đứng tên người thân bị cáo Việt. Tổng giá trị của 54 sổ tiết kiệm này là hơn 400 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt cho biết: Số tiền này bị cáo chuyển cho người thân vào năm 2021 và có nguồn gốc từ các hoạt động kinh doanh của Việt Á. Bị cáo Việt giải thích, công ty không chỉ kinh doanh kit test mà còn có nhiều hoạt động kinh doanh sản phẩm khác. Nên bị cáo Việt không đồng tình khi tòa cấp sơ thẩm xác định đây là tài sản có được từ việc bán kit xét nghiệm.

Sau đó, đại diện Viện kiểm sát đã công bố lời khai của bị cáo Việt tại cơ quan điều tra. Theo lời khai này, Việt khai số tiền chuyển vào sổ tiết kiệm của mẹ đẻ là "tiền có được từ bán kit xét nghiệm".

Khai tại tòa, mẹ đẻ Phan Quốc Việt là bà Đàm Thị T. cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2018, bà nhiều lần cho Việt vay để làm ăn. Trong đó, bà cho Việt vay bằng tiền, vàng, USD quy đổi ra khoảng 400 tỷ đồng.

Bà T. khai "được ông cha cho của hồi môn 1.000 cây vàng" nên lúc Việt kinh doanh có hỏi mượn thì lấy ra cho Việt vay. Ngoài ra, bà T. trình bày nguồn tiền còn có được từ việc bà làm ăn kinh doanh, làm lụng nhiều năm. Sau đó, đến tháng 10/2021, Việt chuyển cho mẹ tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng. Bà T. cho biết đây là số tiền Việt trả nợ bà.

Khi được tòa hỏi, bị cáo Việt xác nhận lời khai của mẹ mình là đúng. Việt khẳng định hai lần chuyển tiền vào tài khoản của mẹ mình để "trả nợ". Sau đó, bà T. dùng một phần tiền để trả nợ, còn lại mang gửi ngân hàng thành 52 sổ tiết kiệm. Trong tổng số 54 sổ tiết kiệm bị kê biên thì có 52 sổ đứng tên bà T. (mẹ của Việt) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên các con của Việt.

Bà T. nói ở thời điểm đó, không biết Phan Quốc Việt vi phạm pháp luật. "Đến nay hai vợ chồng tôi đã già, không làm gì được nữa. Chúng tôi mong muốn nhận lại sổ tiết kiệm". - Bà T. khai.

Tại tòa, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi nhận hối lộ 2,25 triệu USD (khoảng 51 tỷ đồng) như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm. Cùng với đó, đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục chung hậu quả vụ án. Còn số tiền nhận hối lộ 2,25 triệu USD đã được nộp lại ở giai đoạn sơ thẩm.

Bị cáo Trần Thanh Phong (cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương) là người duy nhất trong số 11 bị cáo tuy được hưởng án treo, nhưng vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Chủ tọa yêu cầu bị cáo làm rõ nội dung kháng cáo là xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự hay xin miễn hình phạt.

Bị cáo Phong trình bày bản thân chỉ là cấp dưới làm theo mệnh lệnh của cấp trên, không được hưởng lợi. Bị cáo viện dẫn trường hợp của ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương, người đã nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á) đã được HĐXX phiên sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, bị cáo Phong tiếp tục kiên trì giữ nguyên kháng cáo với mong muốn được tòa phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm hình sự.