Tử tù xin hiến tạng không phải là câu chuyện mới đặt ra trong trường hợp của tử tù Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, quê An Giang) – kẻ gây ra vụ thảm án giết 5 người trong cùng một gia đình này vừa bị TAND TPHCM tuyên án tử về 2 tội Giết người và Cướp tài sản.

Trước đó, tử tù Nguyễn Hải Dương cũng bàn bạc với người thân xin được thực hiện nguyện vọng cuối cùng là hiến tạng, nhằm chuộc lại một phần lỗi lầm mình gây ra trong quá khứ.

tutu_noxf.jpg
Bị cáo Nguyễn Hữu Tình tại phiên tòa sáng 9/7.
Đã có rất nhiều tranh luận khi bàn về nguyện vọng hiến xác của những tử tù. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế).

PV: Nguyện vọng hiến tạng của một cá nhân, bất kể họ là ai đều đáng trân trọng. Tuy nhiên việc tử tù hiến tạng lại tạo ra 2 luồng ý kiến khác nhau. Luật hiến và nhận mô bộ phận cơ thể người thì có quy định cho đối tượng này hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Việc các tử tù mong muốn được hiến mô bộ phận cơ thể mình trước khi thi hành án là nghĩa cử cao đẹp, đáng được trân trọng. Luật quy định chung cho những người muốn hiến bộ phận cơ thể người thì phải bảo đảm các điều kiện: trên 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có năng lực về mặt pháp luật...

Qua phân tích như vậy cho thấy, trường hợp trên không đáp ứng được yêu cầu đó, vì mô tạng của tử tù mà hiện nay theo Luật thi hành án hình sự thì phải tiêm thuốc độc. Khi tiêm thuốc độc rồi thì mô tạng không đủ tiêu chuẩn để ghép cho người khác nữa. Chính vì vậy, không đặt vấn đề lấy mô bộ phận cơ thể của tử tù hiến cho người khác.

PV: Nếu đặt vấn đề lấy mô tạng trước khi thi hành án thì như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Có thể nói chưa có quốc gia nào trên thế giới quy định vấn đề về tử tù hiến mô bộ phận cơ thể người và Việt Nam cũng như vậy. Bởi vì khi lấy bộ phận cơ thể của người sống, thì phải xét nghiệm, chiếu chụp xem bộ phận cơ thể đó có phù hợp hay không. Các tử tù đang trong giai đoạn biệt giam, họ không được quyền ra ngoài để thực hiện các việc trên, nên đây cũng là vấn đề khó.

Hơn nữa, trong khi thi hành án thì họ phải đủ nhận thức đến ngày này, với tội danh thế này thì bị thi hành án và cơ quan thi hành án phải đọc cáo trạng trước khi tiêm thuốc độc.

Chúng ta cứ thử hình dung, một tử tù chuẩn bị tiêm thuốc độc rồi nhưng trước đó lại bị gây mê, lấy bộ phận cơ thể của họ hiến cho người khác, thì về mặt đạo đức, truyền thống văn hóa xã hội không ai chấp nhận. Ngay cả bản thân những người làm với tử tù đó cũng vô nhân đạo.

PV: Cơ thể người hiến tạng sẽ được sử dụng vào 2 mục đích: cho nghiên cứu khoa học và cấy ghép vào cơ thể người khác. Tranh luận phát sinh chủ yếu ở mục đích thứ 2. Còn nếu tử tù có nguyện vọng và việc hiến xác chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học thì liệu có được chấp thuận không, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Vấn đề về nghiên cứu khoa học thì trước đây trên thế giới không lưu giữ xác của một tử tù nào để nghiên cứu khoa học. Bởi vì người hiến không phải là tử tù thì vẫn thừa cho việc nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật còn có những dạng hình người mang tính chất mô phỏng nên nhu cầu đó không cần nữa.

PV: Những bệnh nhân đang có nhu cầu ghép tạng, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết thì nhận tạng giữa người tốt hay xấu, với họ kết quả không có gì khác nhau. Ở góc độ của mình, ông nghĩ như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Quang:Tạng của tử tù hay của một người tốt đều giống nhau cả, với tư cách cùng là vật chất, tức là một bộ phận cơ thể người. Nếu bộ phận cơ thể người đó đủ điều kiện về sức khỏe ghép cho người khác có sự tương ứng về mặt sinh học thì vẫn thực hiện được. Nên việc người bệnh không phân biệt tạng của tử tù hay người tốt cũng là đúng.

PV: Liệu rằng có đề xuất, hướng giải quyết đối với tử tù có nguyện vọng được hiến tạng vừa đảm bảo pháp luật, công lý được thực thi nhưng vẫn có khả năng sử dụng những mô tạng đó để cứu những sinh mạng khác không, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang:Chúng ta đã chuyển từ hình thức tử hình bằng xử bắn sang hình thức tiêm thuốc độc, thì các bộ phận cơ thể người đã nhiễm tất cả các chất độc thì cũng không thể nào lấy được nữa. Các nước khác cũng không có luật cho phép lấy mô tạng của tử tù.

PV: Xin cảm ơn ông./.