Bùi Đức Lưu (SN 1946) từng là giang hồ đất cảng, trú tại ngõ 20 Mê Linh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng. Sau năm 1975, Lưu bỏ địa phương chu du khắp nơi, trở thành tên trộm cướp chuyên nghiệp và sa lưới pháp luật. Lưu bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 10 năm tù về tội trộm cắp tài sản XHCN.
Hình truy nã Bùi Đức Lưu 29 năm trước |
Cầm đầu băng chuyên “ăn” thuốc tây
Năm 1984 được tha tù, Lưu lại tiếp tục hành trình tội lỗi. Phiêu bạt trong nam, ngoài bắc, Lưu thu phục dưới trướng 24 tên du thủ, du thực từ các vùng miền để hình thành băng nhóm gây ra trên 150 vụ cướp, trộm cắp tại nhiều địa phương, thậm chí qua cả Campuchia gây án.
Riêng tại tỉnh Nghĩa Bình, trong hai năm 1984 - 1985, Lưu cùng đồng phạm thực hiện 24 vụ trộm cắp tài sản XHCN. Khi bị bắt, tại cơ quan điều tra Lưu khai: "Để che mắt công an, chúng tôi thường giả là bộ đội, trú tại nhà người thân hoặc các cán bộ nhà nước. Ban đêm sử dụng vũ khí, ba lô, kìm cộng lực đột nhập vào các kho thuốc tân dược ở các bệnh viện để trộm thuốc tây. Thời điểm đó, chỉ có thuốc tây là tài sản khan hiếm, nhà nước độc quyền nên có giá trị nhất và dễ tiêu thụ nhất". Bùi Đức Lưu sau đó bị TAND tỉnh Nghĩa Bình tuyên phạt 12 năm tù.
Trong thời gian thụ án tại Trại giam Kim Sơn (Bình Định), Lưu trốn trại. "Lúc đó thấy cảnh lao động rất khổ cực nên lúc nào tôi cũng mang ý nghĩ trốn trại. Trong lần giả vờ đau bụng, được chuyển lên trạm xá, tôi quằn quại trong cơn đau đớn và xin phép ra nhà vệ sinh. Nhân lúc cán bộ y tế trại giam mải mê tiêm thuốc cho phạm nhân khác, tôi đã bỏ trốn", Lưu khai.
Bùi Đức Lưu (trái) tại cơ quan công an - Ảnh: Tấn Tài |
Thay tên họ, tiếp tục gây án
Hồ sơ truy nã đặc biệt Bùi Đức Lưu được phát đi toàn quốc. Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, hồ sơ của Lưu được Phòng Cảnh sát hình sự và sau này là Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Bình Định tiếp quản. Không năm nào hồ sơ cùng với bức ảnh truy nã Lưu không được thượng tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó trưởng phòng, thu thập, bổ sung các thông tin cần thiết rồi sàng lọc, phân tích, nhận định. Cũng không biết bao lần các anh xuôi nam, ngược bắc để truy tìm tung tích, nhưng Bùi Đức Lưu vẫn bặt vô âm tín.
Là tội phạm chuyên nghiệp, không thể nào Lưu chịu "cải tà quy chính" và rất có thể đã thay tên, đổi họ. Từ nhận định đó và với tấm hình truy nã trong tay, thượng tá Lợi đã liên hệ với công an các tỉnh, đối chiếu từng đường nét từ các hồ sơ vụ án. Sự dày công trong một thời gian dài của anh và đồng đội đã được đền đáp.
Hồ sơ lưu trữ tại công an 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận cho thấy một hồ sơ ghi trong hai năm 1997 và 1998, Phan Viết Sơn (SN 1946, trú đường Cách Mạng Tháng 8, P.An Thới, TP.Cần Thơ) đã chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn dùng vàng giả tráo vàng thật. Và một hồ sơ khác với họ tên tương tự nhưng lại trú ấp 5, xã Hiệp Chánh, TX.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã 2 lần bị TAND TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận tuyên 2 bản án, tổng cộng 6 năm, 9 tháng tù giam. Năm 2004 ra tù, Phan Viết Sơn tiếp tục phạm tội mới, bị TAND Q.Tân Bình, TP.HCM tuyên phạt 6 tháng 13 ngày tù. Trong lần Phan Viết Sơn phạm tội tại Phú Yên, công an có thu giữ chiếc xe máy do Nguyễn Thị Hiếu đứng tên sở hữu.
Đối chiếu hồ sơ, hình ảnh, thượng tá Lợi khẳng định Bùi Đức Lưu và Phan Viết Sơn là một. Xác minh của Công an tỉnh Bạc Liêu cũng không có ai tên Phan Viết Sơn cư trú tại địa bàn. Trong khi đó tại P.An Thới (nay là P.Bùi Hữu Nghĩa, TP.Cần Thơ), công an xác định Phan Viết Sơn có vợ là Nguyễn Thị Hiếu và 2 con. Hai vợ chồng hiện đang điều hành đường dây số đề.
Thế nhưng, Sơn không có mặt tại địa phương mà lên TP.HCM để thu tiền của các con đề.
Phương án bắt Lưu được xác lập, với sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) - Bộ Công an, trinh sát PC52 (Công an TP.HCM) và Công an Cần Thơ.
Sáng 3/6, khi Lưu ung dung trên đường phố ở khu Cầu Kinh (P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để thu tiền từ các đại lý ghi đề thì bị mấy thanh niên ăn mặc đầy vẻ "bụi đời" xuất hiện trước mặt. Một thanh niên gọi đúng cái tên mà gần 30 năm qua ông ta cố quên, khiến Lưu ngớ người, chưa kịp bỏ chạy thì chiếc còng số 8 đã tra vào tay./.