Chỉ đơn giản, ông thích “đi tìm quá khứ” qua những gì còn sót lại. Ông là Trần Thiết Cường – người đã gắn bó cả nửa đời mình với những chiếc xế cổ vẫn được anh em chơi xe gọi bằng cái tên thân mật là Bác Cường “đồng nát” hay “Văn Điển tiên sinh”.
“Hậu quả của những cơn hâm”
Không khó lắm để tìm được đến nhà ông Cường – một căn nhà nhỏ, nằm trong một ngõ nhỏ thuộc thị trấn Văn Điển, cách trung tâm Hà Nội độ chục cây số. Mấy chiếc xe “cá xanh”, xe mobylette dựng từ đầu ngõ dẫn bước tôi vào thăm nhà ông. Cũng chẳng thế định nghĩa nổi đây là một căn nhà hay một xưởng xe máy, một phòng trưng bày đồ cổ hay một cái kho chứa đủ thứ cũ kĩ.
Nghề nghiệp trước kia của ông Cường vốn dĩ không mấy liên quan đến những chiếc xe máy, xe đạp cổ – một người kinh doanh các thiết bị âm thanh. Nhưng cũng chính vì làm âm thanh, thích sưu tầm, nghiên cứu những thiết bị âm thanh cổ mà đâm ra ông thích lây cả xe cổ. Trong nhà, ngoài kho xe máy là những chiếc âm li cũ kĩ, những chiếc loa, đài vốn dành cho người của thế kỉ trước. Buồng bên thì chật cứng nào đồng hồ treo tường, nào đèn, nào bình cổ. Một vài người không biết, cứ nghĩ “ông này chắc hâm hâm, vì không đâu bỗng dưng lôi một loạt thứ đồ cũ kĩ về bày cho chật nhà”.
“Những lúc như thế tôi không giải thích. Vì giải thích ngọn nguồn cho người ta cũng khó. Thôi thì cứ cho là mình hâm hâm, chơi mấy cái đồ này cũng phải có độ “hâm” thì mới chơi được. Tôi vẫn cứ nói vui, những gì trong nhà chính là hậu quả của những cơn hâm bất tử” – ông Cường tiếp câu chuyện.
Ông Cường có cái thú tìm mua những chiếc xe đạp, xe máy cổ chưa lâu nhưng cũng có lí do để nảy ra cái hứng này. Cách đây khoảng chừng hai mươi mấy năm, ông vốn là tay buôn xe, đổ từ các thành phố về vùng biên. Xe đổ lúc đó chủ yếu là Babetta, Simson hay Minsk. Ông cảm thấy có duyên với những chiếc xe như thế, nên giờ cứ gom lại, thuê thợ về sửa chữa rồi để đi, để bán, để làm những thứ ông thích.
Đống “đồng nát” giá trị
Nghe ông Cường kể về chuyện tìm mua xe, tôi cứ thích gọi ông là một “thợ săn” xe cổ. Với ông Cường, những chiếc xe nào mình đã thích là phải quyết định nhanh, phải “săn” bằng được, đôi khi lại phải khéo léo, phải dùng “mưu” để có được chiếc xe. Cái cách làm đó cũng giống với người “thợ săn” lắm.
Ban đầu, những chiếc xe ông Cường mua về chủ yếu do các mối quan hệ cũ, sau này là tìm và nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, nghe đâu có xe hay, xe đẹp là ông mua cho kì được. Thế mới có chuyện, đã có lúc ông lặn lội vào tận trong Nam mua xe, lúc trở ra không còn một đồng dính túi. Có chuyện ông đi vay tiền ở hai hiệu vàng gần nhà để mua xe cho nhanh rồi tính nước trả sau. Thế mới cũng có chuyện ông chồng cả mấy chục triệu đồng để “dọn” cả kho xe của những người đang có ý định “nghỉ chơi”.
Điều hay là trong kho xe cũ lên tới hàng trăm chiếc của ông Cường, mỗi chiếc xe đều có gốc tích, đều là một câu chuyện thú vị trong việc mua, việc bán hay việc cho, việc tặng. Có những chiếc xe gắn với quá khứ của một nhân vật lịch sử, có những chiếc xe được trưng bày trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long vừa qua, hay có những chiếc xe chỉ đơn giản do ông thắng được trong một cuộc đấu giá từ thiện… Tất cả đã tạo nên một bộ sưu tập xe không chỉ lớn về số lượng, giá trị mà lớn hơn cả về mặt văn hóa, tinh thần và nhân tâm.
Ông Cường chủ yếu vẫn thích những chiếc xe có quá khứ xa hẳn như xe đạp máy Velo Solex, Mobylette, Sachs cổ, xe đạp Peugeot hay xe máy Peugeot các đời 102,103,107… Những chiếc xe có tuổi đời “trẻ” hơn như Honda 67, DD, Cub 50, Simson, Minsk, Jawa cũng góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập của ông. Nhà chật, xe của ông Cường nhiều đến nỗi phải gửi sang cả nhà hàng xóm, để ra cả ngoài ngõ.
Nối dài đam mê
Sở hữu “kho” xe cũ lên tới hàng trăm chiếc, thế nhưng, niềm đam mê với xe cổ của ông Cường vẫn chưa thể dừng lại.
“Tôi lên mạng thấy mọi người cứ tìm cái nọ, cái kia. Mình có thì báo cho anh em đến lấy, có lúc thì cho không. Dở một cái là tôi không rành về vi tính nên không “khoe” đồ được lên cho anh em biết để mà đến mua. Thế là cái chợ phiên này ra đời” – ông Cường nói.
Ông Cường cũng hy vọng, sắp tới, những người mê xe cổ sẽ có thêm một địa điểm “đáng để lui tới” vào những ngày cuối tuần. Qua đó, họ không còn phải “mỏi mắt” tìm những món đồ cho chiếc xe cổ của mình. Và cũng qua đó, niềm đam mê với xe cổ của ông Cường cứ được nhân lên, nối dài khắp dải đất hình chữ S này./.