Một nội dung được quan tâm ngay từ trước chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới một số nước châu Âu vừa qua là những cuộc làm việc với các đối tác song phương và lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) để nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EV-FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

180030-1.jpg
Các dòng xe từ châu Âu hiện nay không chỉ chịu mức thuế suất cao mà còn đang gặp khó khăn với giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam (VTA), do chính phủ một số nước EU không có loại giấy này.
Kết thúc phiên họp này, Ủy ban châu Âu đã đi đến một kết quả quan trọng là thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EV-FTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay khi có quyết định này, Uỷ ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Trong số những điều khoản liên quan đến đến ngành công nghiệp ô tô mà Uỷ ban châu Âu thống nhất đưa vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, quan trọng nhất là việc hướng tới giảm dần và xóa bỏ thuế nhập khẩu ôtô từ châu Âu vào Việt Nam.

Theo lộ trình của Thương mại tự do Việt Nam-EU, thuế suất dành cho ô tô nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam sẽ là 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Hiện tại, mức thuế đánh vào xe ô tô nhập khẩu từ châu Âu có thuế suất từ 70 - 78%, tùy loại.

Một số nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Các dòng xe từ châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam hiện có các thương hiệu Đức như Audi/BMW/Mercedes-Benz, một số thương hiệu Pháp, Anh, Italy như Renault, Peugeot, Jaguar Land Rover, Maserati…

Đổi lại việc được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi xuất xe sang Việt Nam, thị trường châu Âu cũng sẽ phải mở cửa và có các mức thuế suất ưu đãi đối với một số mặt hàng từ Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), các sản phẩm rau/củ/quả, gốm/sứ/thuỷ tinh…

Ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) cho biết, việc được Uỷ ban châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để kí, là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được nhu cầu kinh tế, hợp tác của cả hai bên./.