Theo  Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ, Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng thì mức xử phạt đối với việc vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô và xe máy khi tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

Mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn

- Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.

Mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn

- Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/1 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 4-5 triệu đồng và tước GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.

Người mượn xe vi phạm nồng độ cồn thì chủ xe có bị phạt không?

Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".

Hiện nay pháp luật quy định sẽ phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Chủ phương tiện chỉ bị phạt trong trường hợp biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông mà vẫn giao xe. 

Như vậy trong trường hợp biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà vẫn cố tình cho mượn thì sẽ bị xử phạt. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt khác nhau.

Xe cho mượn bị tạm giữ thì chủ xe hay người vi phạm phải đi lấy xe về?

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư số 47/2014 của Bộ Công an, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm/đại diện tổ chức vi phạm hành chính được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Khi đi phải mang theo Quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;  Căn cước công dân/Hộ chiếu… (nếu không có một trong những giấy tờ này có thể xin xác nhận nhân thân của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú).

Theo đó, người đến nhận xe vi phạm phải là người vi phạm được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Người vi phạm có thể ủy quyền cho người khác đến nhận xe thay nhưng phải có văn bản ủy quyền được công chứng/chứng thực.