Ngay sau chỉ đạo của Trung ương về triển khai công tác bầu cử, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, toàn hệ thống chính trị các cấp bao gồm UBND, HĐND, MTTQ đã tổ chức triển khai công tác bầu cử trên địa bàn. Cho đến thời điểm này, công tác chỉ đạo công tác bầu cử đang diễn ra theo đúng quy định của Luật Bầu cử từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Hiện giai đoạn hai của cuộc bầu cử đang được thực hiện gấp rút về vấn đề hiệp thương, công tác nhân sự…

Thực hiện Quyết định 215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, ngay từ bước đầu của quá trình hiệp thương cũng như công tác giới thiệu nhân sự, các tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao trong việc hướng dẫn giới thiệu nhân sự theo đúng cơ cấu, thành phần. Tính đến thời điểm này, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tại ba tỉnh đã có những con số thống kê ban đầu.

Tại Hà Tĩnh, đến Hội nghị hiệp thương lần 2, danh sách sơ bộ các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đạt cơ cấu: các đại biểu ứng cử viên nữ đạt 28 – 30% (có nơi lên đến 34%). Các đại biểu ngoài Đảng chiếm tỷ lệ 14 – 15%. Đại biểu trẻ ở nhiều địa phương đạt mức 17 – 18%.

bau-cu.jpg

Công tác vận động, tuyên truyền bầu cử được các địa phương thực hiện tốt

Tỉnh Nghệ An thực hiện kết hợp cơ cấu thành phần đại biểu trẻ với đại biểu dân tộc thiểu số, đại biểu nữ… Qua hiệp thương vòng 1, với chỉ tiêu là 13 đại biểu Quốc hội, tỉnh Nghệ An đã có 42 cử tri ứng cử trong đó có có 20 nữ và 13 dân tộc thiểu số. Hiện qua hiệp thương vòng 2, số đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh hiện là 30 người, bầu cử HĐND tỉnh 219 người, bầu cử HĐND cấp huyện là 1.656 người, bầu cử HĐND cấp xã là 25.352 người

Bà Cao Thị Hiền- Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An- Thư ký Uỷ ban bầu cử nhận xét, đến thời điểm này cơ cấu các thành phần trên địa bàn tỉnh cao hơn mức bình quân của Trung ương theo chỉ Quyết định 215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Xuân Dũng- Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa- Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hoá cho biết, tính bình quân tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của tỉnh trên 38%. Thành phần dân tộc thiểu số khoảng 22%. So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ nữ đã tăng khoảng 10,52%, tỷ lệ dân tộc thiểu số tăng 1,2%.

Chất lượng cử tri được nâng cao

Tính đến vòng hiệp thương lần 2, Nghệ An là tỉnh có số lượng cử tri tự ứng cử đại biểu Quốc hội cao với 5 đại biểu, Hà Tĩnh có một cử tri ứng cử đại biểu Quốc hội, Thanh Hóa có 2 đại biểu nhưng đã có một người xin rút lui.

Theo bà Cao Thị Hiền, việc đại biểu Quốc hội tự ứng thành công của Nghệ An khóa XII vừa qua là một tín hiệu tốt đối với các cử tri tự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Điều này không chỉ phản ánh tính dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội tại Nghệ An mà còn cho thấy rất nhiều người mong muốn đóng góp sức mình trong việc xây dựng quê hương đất nước.

Bà Cao Thị Hiền cũng đánh giá, 5 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh đều là những trí thức, có trình độ chính trị và bằng cấp cao, có người mang học hàm tiến sỹ.

Số cử tri tự ứng cử thể hiện rõ nét nhất ở việc ứng cử HĐND các cấp, đặc biệt là bầu cử HĐND cấp xã tại ba tỉnh trên.

Tại Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và Thạch Hà đang dẫn đầu về số lượng người tự ứng cử HĐND cấp xã. (Thạch Hà có 16 người; huyện Can Lộc có 34 người). Còn tại Nghệ An nổi lên có huyện Thành Chương với 28 người.

Đánh giá về chất lượng cử tri tự ứng cử HĐND tại các huyện, lãnh đạo của ba tỉnh đều khẳng định, đấy là những thành phần có trình độ, đa số là những cán bộ chuyên trách trên địa bàn.

Việc cử tri tự ứng cử đông đảo trong kỳ bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 không chỉ phản ánh không khí dân chủ trong bầu cử mà còn cho thấy công tác tuyên truyền đang mang lại những hiệu quả nhất định.

Ông Nguyễn Quyết Tiến- Trưởng ban Tuyên giáo huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh- địa phương có số cử tri tự ứng cử cao nhất tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm huyện đã thực hiện tuyên truyền bầu cử đến tận các thôn xã, đồng thời tiến hành nhiều phong trào thi đua sản xuất hưởng ứng bầu cử. Chính vì vậy, việc bầu cử được người dân quan tâm, tìm hiểu…

Còn tại Nghệ An, tỉnh cũng thực hiện một chiến dịch tuyên truyền sâu sắc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính điều này giúp cho nhân dân sớm nhận thức được tầm quan trọng của bầu cử cũng như thêm nhiều cử tri cân nhắc, xem xét việc tham gia ứng cử.

Hiện nay, các quy trình tiếp theo của bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa vẫn đang được chỉ đạo thực hiện một cách sát sao, đúng chủ trương, đúng quy trình và bám theo luật và các văn bản dưới luật. Đồng thời thực hiện tiến trình theo chỉ đạo chung để cuộc bầu cử dân chủ, an toàn, tiết kiệm, đúng luật. Vì thế, tiến trình bầu cử các tỉnh đang ở vòng hai nhưng chất lượng bầu cử được lãnh đạo các tỉnh đánh giá cao hơn những năm trước.

Việc cử tri tự ứng cử cũng như thành phần cơ cấu của các thành viên đúng như quy trình thì còn phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri đối với ứng cử viên. Tuy nhiên, cho đến hiệp thương vòng hai với tỉ lệ thành phần cơ cấu đại biểu hợp lý theo chỉ đạo cũng như việc tham gia tích cực của các cử tri tự do cho thấy những thắng lợi bước đầu của việc vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tại ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa./.