Như thông tin báo chí đã đưa, ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh, tỉnh Hải Dương giải thích, việc ký quyết định bổ nhiệm tới 43 lãnh đạo trên tổng số 45 biên chế (đến thời điểm hiện nay Sở này có 44 lãnh đạo, 2 nhân viên) là “do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân”.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cách giải thích này là thiếu trách nhiệm và “tôi cũng không biết vì dân là ở lý do gì”.
“Một cơ quan cũng bằng ấy chức năng người ta bố trí khác mà ở Hải Dương lại bố trí khác? Phải chăng Sở Lao động Hải Dương thì việc nhiều hơn, chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn?” – ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội |
“Nói là vì dân thì không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, không thuyết phục được nhân dân, cử tri. Tôi cho rằng, trả lời như thế là chưa tròn trách nhiệm của lãnh đạo trước Đảng, nhân dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Trước câu hỏi cho rằng vụ việc được báo chí phản ánh làm cho cán bộ ở Sở hoang mang, ông Nhưỡng nhấn mạnh, lỗi là của chính những lãnh đạo đã đặt cán bộ của vào những vị trí đó.
“Không nên đổ lỗi cho ai mà những người lãnh đạo như thế phải nhận lỗi trước Đảng, nhân dân. Nếu anh chứng minh được có sự chỉ đạo nào đó thì phải rõ ràng. Còn trong phạm vi, thẩm quyền của mình thì anh phải chịu trách nhiệm. Đã là cán bộ công chức phải chịu trách nhiệm trước hành vi, việc làm của mình”, ông Nhưỡng nói.
Về cách xử lý, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, không chỉ ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương mà phải rà soát lại tất cả các Sở, ban, ngành. Đây có thể coi là bài học cho các sở, ngành của các tỉnh trong cả nước để chấn chỉnh lại công tác cán bộ. Đây là công tác rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng dễ bị lợi dụng, lạm dụng, bẻ cong, làm ảnh hưởng đến Nhà nước, người dân.
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM): “Chuyện một sở có 44 người làm lãnh đạo, chỉ 2 nhân viên, toàn bộ hệ thống hành chính ở Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy. Cách giải thích về mặt luật pháp là không chấp nhận được mà thực tế cũng không chấp nhận được”.
Theo ông Nghĩa, với cơ chế hiện nay, một Giám đốc Sở không thể tùy tiện bổ nhiệm như thế vì dính đến ngân sách, lương. Những quyết định về bổ nhiệm cán bộ còn vai trò Đảng ủy, ban cán sự đảng, Sở Nội vụ… Tất cả việc bổ nhiệm nếu bất hợp lý thì phải báo cáo lên UBND tỉnh.
“Việc ông Giám đốc Sở bổ nhiệm nhiều lãnh đạo theo tôi không phải một mình ông đó chịu trách nhiệm mà các sở liên quan phải chịu trách nhiệm và người nào ở UBND tỉnh phụ trách Sở đó phải chịu trách nhiệm. Những người này không phát hiện, ngăn chặn thì phải chịu trách nhiệm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng trong vụ việc này phải giải quyết hợp tình, hợp lý. Nếu việc bổ nhiệm lãnh đạo mà vượt quá quy định thì phải xem xét lại xem cán bộ được bổ nhiệm có đủ điều kiện không. Nhưng quan trọng người bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm.
“Đây là một cơ quan nhà nước, chứ không phải cơ sở tư nhân. Nếu là cơ sở tư nhân, ông lãnh đạo muốn làm gì thì làm vì tiền của ông ấy, nhưng đây là tiền của nhà nước” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh./.
“Người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý“