Câu chuyện Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu xin nghỉ việc sau khi bị điều chuyển công tác đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và sự công tâm, dân chủ trong lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm này.

ba_le_thi_cong_va_quyet_dinh_dieu_dong_yybj.jpg
Bà Lê Thị Công và quyết định điều động chuyển công tác (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Khẳng định bà Lê Thị Công không có bất cứ sai phạm nào trong quá trình điều hành Sở Tài nguyên-Môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng giải quyết công việc rất chậm, chưa làm thỏa mãn các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định điều động bà Công sang giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ngày 21/6, bà Công đã tới Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận quyết định nhưng thông báo trực tiếp với Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu không phân công nhiệm vụ cho bà vì bà đã có đơn xin nghỉ việc từ trước. Trong đơn xin nghỉ việc, bà Công kiến nghị thanh tra 4 dự án mà lãnh đạo tỉnh cho rằng bà đã giải quyết chậm.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - đại biểu Quốc hội khóa XIII về sự việc này.

PV: Nếu những nhận xét của Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh về bà Lê Thị Công là đúng, ông có thấy gì bất hợp lý không trong quyết định điều động của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu hay không?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đây là đánh giá của vị lãnh đạo cao nhất ở địa phương, đánh giá này có thể đã tham khảo ý kiến tập thể, vì vậy phải tôn trọng. Tuy nhiên, đánh giá hành động kém, tham mưu không đạt hiệu quả… cần được làm rõ xem nó được xem xét trên cương vị nào. Nếu trên cương vị Giám đốc Sở, vẫn có cơ sở để bố trí công việc khác phù hợp hơn, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém đã bộc lộ trong quá trình công tác trên cương vị cũ.

Cũng cần phải làm rõ thêm những đánh giá này có thực sự khách quan chưa để có cách nhìn thấu đáo, toàn diện, chính xác về một cán bộ, một con người.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng vì quá quyết tâm làm sáng tỏ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực nên bà Công mới bị điều chuyển công tác. Theo ông, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ và một số Ủy ban của Quốc hội có nên nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ ngọn nguồn, nhận định đúng sai?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Cùng là đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu của bà Lê Thị Công trên diễn đàn Quốc hội, những ý kiến của bà rất thẳng thắn, xây dựng. Tôi đánh giá cao vai trò đại biểu Quốc hội của bà Lê Thị Công. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trên cương vị công tác chuyên môn, bà Công cũng sẽ có thái độ, cách nhìn, trách nhiệm như vậy.

Tôi nghĩ rằng, nếu bà Công đã có đề xuất, kiến nghị, các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền cần hết sức quan tâm, làm sáng tỏ trên cơ sở đó mới có những quyết định đúng đắn, kể cả việc thanh tra các dự án, nếu phát hiện sai phạm cần có giải pháp chấn chỉnh khắc phục sửa chữa, đồng thời có đánh giá đúng đắn hơn về bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ để làm sao phát huy được những nhân tố tích cực, những cán bộ có bản lĩnh.

PV: Chưa thể khẳng định bà Lê Thị Công có bị trù dập hay không? Nhưng rõ ràng tình trạng những cán bộ dám đứng lên chống tiêu cực ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phải nhận không ít “quả đắng” đã tồn tại bấy lâu nay. Theo ông vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa có được cơ chế quy định quy trình hiệu quả để bảo vệ những cán bộ dũng cảm dám tố cáo tiêu cực, chống tham nhũng?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Một trong những nguyên nhân chính theo tôi là ta chưa thật công khai minh bạch trong việc thực thi chính sách, xử lý tố cáo, kiến nghị chống tiêu cực tham nhũng. Nếu thực hiện tốt việc công khai minh bạch, phát huy dân chủ, tôi tin rằng hiện tượng trù dập, phân biệt đối xử với người tố cáo chắc chắn sẽ giảm. Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm của cơ quan chức năng, đặc biệt các cơ quan cấp trên, khi tiếp nhận thông tin về hiện tượng trù dập, cần quan tâm sâu sát, vào cuộc ngay, xác minh làm rõ, để có kết luận thỏa đáng. Làm được như vậy tôi tin việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, trù dập người tố cáo sẽ dần bị triệt tiêu.

PV: Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là sự chậm trễ trong bảo vệ người tố cáo tiêu cực chống tham nhũng và để xảy ra nhiều vụ đe dọa, trù dập hay trả thù người trung thực cần được quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân và tổ chức nào, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Vấn đề chúng ta cần quan tâm: thứ nhất, làm sao đảm bảo để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống; thứ hai làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân ủng hộ, tạo dư luận mạnh mẽ, đảm bảo người đấu tranh chống tiêu cực không bị đơn độc, có thêm niềm tin, dũng khí; thứ ba, các cơ quan chức năng trong đó có Quốc hội và các cơ quan dân cử cần tăng cường công tác giám sát như vậy việc chậm trễ thậm chí chìm xuồng khi xử lý những người trù dập, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sẽ từng bước bị đẩy lùi.

PV: Vậy đâu sẽ là hướng xử lý tích cực nhất trong vụ việc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đâu là điều cốt yếu để mỗi người dân sẵn sàng đấu tranh vì công lý, bảo vệ lẽ phải mà không phải lo bị điều chuyển, bị vô hiệu hóa, bị mất việc…, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Thứ nhất, căn cứ vào quy định của pháp luật, tăng cường việc thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cấp ủy, cơ quan thanh tra của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể tạo một sự giám sát xã hội mạnh mẽ đối với vi phạm; Thứ hai, nếu phát hiện các vụ việc có tính chất trù dập cần phải xử lý thỏa đáng; thực hiện công khai, minh bạch hơn nữa các chương trình, dự án, kể cả những yếu tố liên quan đến quy hoạch, tác động môi trường sẽ tạo điều kiện để người dân giám sát có hiệu quả. Cần tăng cường hơn nữa thông tin tuyên truyền để đấu tranh, phòng chống tiêu cực tham nhũng, nhưng đấu tranh chống tham nhũng phải đúng quy định của pháp luật mới hiệu quả. Vai trò của báo chí thông tin tuyên truyền về những tấm gương dũng cảm tham gia đấu tranh phòng chống tiêu cực tham nhũng sẽ là một sự khích lệ rất lớn với công việc vô cùng khó khăn này.

PV: Xin cảm ơn ông./.