Vụ việc bổ nhiệm cán bộ ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù UBND tỉnh đã vào cuộc kiểm tra và có thông báo rộng rãi trước công luận, trong đó khẳng định việc Sở Xây dựng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh làm Phó phòng, rồi Trưởng phòng của Sở này là sai, nhưng nhiều điểm bất thường trong việc bổ nhiệm này vẫn chưa được làm rõ. Dư luận cũng đặt nghi ngờ về dấu hiệu tẩu tán hồ sơ khi cho bà Quỳnh Anh thôi việc một cách chóng vánh không báo cáo tổ chức, cũng không lưu giữ hồ sơ cán bộ.

gs_duong_wlxl_bgor_abzu.jpg
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Dư luận chưa hài lòng với kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với việc bổ nhiệm cán bộ tại Sở Xây dựng. Vậy theo quan sát của ông, đâu là những góc khuất trong việc bổ nhiệm bất thường này cần phải được làm sáng tỏ tiếp theo?

GS-TS Trần Ngọc Đường: Theo tôi, những việc cần được tiếp tục làm rõ: Thứ nhất, người nào giúp sức cho cô Quỳnh Anh có thể vượt qua được hết những quy định của pháp luật. Cô này mới vào công tác từ năm 2011, bằng tại chức không đúng ngành nghề nhưng lại được cất nhắc, đề bạt ngay, như vậy phải là người có quyền lực thực sự mới làm được việc này. Cần phải chỉ ra được người đó.

Thứ hai, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể. Việc bổ nhiệm, đề bạt theo tôi biết phải bắt đầu từ việc lấy ý kiến của quần chúng nơi công tác, của cấp ủy, của lãnh đạo. Việc hợp thức hóa ý kiến của cá nhân đối với các tập thể này ra sao, vai trò của các tập thể này như thế nào để cho trường hợp cô Quỳnh Anh có thể vượt qua được. Chỉ ra được những điểm như thế mới có ý nghĩa lớn trong vụ việc này.

PV: Là người từng thực hiện công việc giám sát trong Quốc hội, ông có thêm góc nhìn nào về câu chuyện này?

GS-TS Trần Ngọc Đường: Quả thực tôi thấy rất lạ. Tại sao đúng quy trình, đúng nguyên tắc làm việc tập thể, mà một người như cô Quỳnh Anh, hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn để trở thành một cán bộ, một công chức bình thường chứ chưa nói đến việc đề bạt, cất nhắc lại được thăng tiến nhanh chóng như vậy. Cần làm cho rõ vấn đề này, ở đây có vai trò của cá nhân và của tập thể, tại sao lại để xảy ra sai sót như thế. Phải có ai đó giúp sức mới có thể làm được, một mình cô Quỳnh Anh không thể làm được.

PV: Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến việc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho trường hợp cô Quỳnh Anh nghỉ việc rất nhanh chóng mà không báo lên các cấp, cũng không lưu hồ sơ gốc. Đây liệu có phải chỉ là sai sót ngẫu nhiên?

GS-TS Trần Ngọc Đường: Theo tôi, chưa thể đánh giá một cách khách quan vấn đề này. Báo chí có nêu vị trưởng phòng tổ chức có nói cô Quỳnh Anh xin hồ sơ để làm gì đó, không biết câu chuyện vị trưởng phòng kể lại đúng hay sai, cần xác minh cụ thể. Phải chăng có vai trò của ông này, ông kia làm việc đấy theo lệnh của người khác.

Từ vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, ông này làm theo lệnh của ai, hay làm theo yêu cầu của cô này.

PV: Báo chí cũng có nói đến khối tài sản của cô Quỳnh Anh gồm các biệt thự, nhà ở Thanh Hóa và Hà Nội, 2 xe ô tô sang, tổng tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo, UBND tỉnh Thanh Hóa lại cho biết chưa đủ cơ sở để xác minh tài sản. Vậy có thuyết phục hay không?

GS-TS Trần Ngọc Đường: Việc kê khai tài sản và xác minh tài sản cần phải đặt ra khi đề bạt, cất nhắc. Theo quy định, khi đề bạt, cất nhắc, người được đề bạt phải kê khai tài sản của mình. Nhưng lúc đó không làm hoặc làm qua loa, không đầy đủ. Đó là sai sót trong quá trình cất nhắc, đề bạt cán bộ.

PV: Xin cảm ơn ông./.