Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án, thực hiện đầy đủ các quy trình theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (lấy ý kiến tại địa bàn các xã thực hiện sắp xếp, với tỷ lệ cử tri đi bổ phiếu và đồng thuận cao, lấy ý kiến HĐND các cấp về phương án sắp xếp). Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên chủ trương sáp nhập xã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Lấy phiếu ý kiến cử tri về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Can Lộc. Ảnh: TTXVN |
Người dân đồng tình với việc sáp nhập
Ông Phan Gia Thỏa, người dân xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn bày tỏ, qua công tác tuyên truyền, bản thân ông và người dân hiểu và đồng tình việc sáp nhập xã. Mục đích và mong muốn của người dân là thấy được cái lợi từ chủ trương này.
Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy là 3 xã của huyện Hương Sơn phải thực hiện sáp nhập do không đủ các tiêu chí. Sau khi sáp nhập, dự kiến đơn vị hành chính mới được lấy tên là xã Kim Hoa. Thực hiện sắp xếp, bộ máy cấp ủy, cán bộ công chức 3 xã giảm 14 người. Theo ông Phan Văn Đoài, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cán bộ và nhân dân đồng tình cao chủ trương sáp nhập 3 xã thành một xã mới. Điều băn khoăn nhất là việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ dôi dư. Riêng đối với cá nhân, ông Phan Văn Đoài cho biết, sẵn sàng nhận mọi công việc khi được phân công:
Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, huyện Hương Sơn có 9 xã không đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số, thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn một. Ban thường vụ Huyện ủy Hương Sơn đã thống nhất phương án sắp xếp, sáp nhập 9 xã thành 3 xã. Sau sáp nhập, số cán bộ chuyên trách dôi dư 19 người, số công chức cấp xã dôi dư 38 người. Theo phương án sắp xếp giải quyết cán bộ dôi dư, về cấp ủy, huyện Hương Sơn sẽ vận động 3 đồng chí dôi dư thôi tham gia cấp ủy để đảm bảo 25 đồng chí tham gia cấp ủy. Thực hiện sáp nhập, huyện Hương Sơn giảm đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn từ con số 32 xuống còn 26.
Ông Trần Văn Kỳ, Bí thư huyện ủy Hương Sơn cho biết, phương châm trong thực hiện sáp nhập xã trên địa bàn là làm đến đâu chắc đến đó: “Phải làm liên tục về công tác truyền thông, làm liên tục công tác đánh giá cán bộ căn cơ sát đúng, làm liên tục công tác dân vận để không những để cán bộ đảng viên các xã sáp nhập hiểu mà cán bộ đảng viên các xã khác cũng hiểu, từ đó tạo sự lan tỏa, đồng thuận…
Lấy phiếu ý kiến cử tri về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Thạch Hà. Ảnh: TTXVN |
Tại huyện Đức Thọ, phương án sáp nhập xã cũng được thực hiện căn cơ, bài bản. Theo Đề án, năm 2019 huyện Đức Thọ tiến hành sắp xếp 28 xã, thị trấn xuống còn lại 16 xã, thị trấn (là địa phương có số xã giảm nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh-12 xã).
Việc sáp nhập khó khăn là sử dụng cơ sở hạ tầng
Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 80/262 xã. Sau sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm 46 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 34 xã mới (từ 262 xã xuống còn 216 xã).
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các xã sáp nhập phải đảm bảo dân chủ, công bằng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Các chức danh cấp trưởng bố trí một người theo quy định, cơ bản bố trí bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã. Cùng với đó là duy trì mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại những xã sáp nhập nếu đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó ban Tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi sáp nhập đối với hai xã nhập một có một bí thư, một chủ tịch, phó bí thư một, phó chủ tịch hội đồng một. Đối với ba xã nhập một thì có thêm một phó bí thư và thêm một phó chủ tịch”.
Một vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập xã tại Hà Tĩnh là sử dụng cơ sở hạ tầng. Bởi hiện nay, hầu hết trụ sở các xã thực hiện sắp xếp đều được đầu tư xây mới (có 58/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Sau sắp xếp có 46 trụ sở dư thừa. Tuy nhiên, tại một số xã mới thiếu cơ sở hạ tầng do trung tâm hành chính xã mới phải điều chỉnh sơ với trung tâm hành chính xã cũ…/.Sáp nhập đơn vị hành chính ở Quảng Trị: Băn khoăn chuyện đặt tên xã