Thảo luận ở tổ về "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017", chiều 25/5, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng kỷ luật kỷ cương trong điều hành mới đang có khởi động từ phía trên nhưng lại chậm chạp ở phía dưới.
Thời gian qua nhiều công việc ở cấp chính quyền địa phương thực hiện không đúng chức năng, có những việc đùn đẩy lên cả Thủ tướng như vậy ko đúng vai trò chức năng của từng bổn phận trong bộ máy nhà nước.
“Thủ tướng là người điều hành bộ máy hành chính chứ không phải giải quyết sự vụ. Ví dụ như Chủ tịch tỉnh làm văn bản “kêu cứu cát tặc”, như vậy là kỷ cương không nghiêm, phân vai cho mỗi cấp chính quyền chưa tốt” – ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
Đề cập chất lượng cán bộ, vị đại biểu này băn khoăn: Hiện nay bằng nhiều con đường để đề bạt, cất nhắc, hiện tượng “cả họ làm quan”, bổ nhiệm thân hữu như ví von “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ”, trí tuệ còn đâu? Đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là “a lô” quan hệ gửi gắm trao đổi.
Ông Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh, lần đầu tiên thấy 27 biểu hiện “suy thoái” ghi trong Nghị quyết Trung ương và chưa bao giờ nghiêm trọng thế, chủ yếu gốc rễ là từ cán bộ. Làm sao chọn được đội ngũ cán bộ tốt là cực khó.
Cha ông ta xưa có cách làm chọn được những nhân vật xuất sắc của lịch sử. Đưa ra 1 vấn đề nan giải của thời đại, đặt người thi vào tình huống ấy để hiến kế cho triều đình, giờ chúng ta cũng có thể áp dụng được, không có gì khó.
“Vấn đề này dư luận bây giờ nói quá nhiều, mới đây nhất ở Đồng Tháp, GĐ Bệnh viện bổ nhiệm con trai bị động kinh, tôi không hiểu! Có nhiều vị được bổ nhiệm, bầu bán, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được gì, vậy năng lực điều hành thế nào?”- ông Vân nói.
Vị đại biểu này cũng trăn trở phải làm sao khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ. Ông rất tiếc trong Bộ luật hình sự vừa qua thiếu hẳn chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, nếu sai phạm làm trái phải trừng trị bằng luật hình, để những ai thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi thảo luận cũng nêu nhiều sai phạm, nhất là các vụ bổ nhiệm khiến nhân dân rất bức xúc.
“Như cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, lùm xùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi nước ngoài. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc. Tôi đã nói nhiều lần về vấn đề này, khi cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì phải hạn chế xuất cảnh, nhưng cuối cùng vẫn để họ rời đi như là một cách trốn chạy trách nhiệm và không để liên quan đến người khác” – vị đại biểu này bày tỏ và cho biết sẽ chất vấn về vấn đề giải quyết khiếu nại, tiếp dân, phòng chống tham nhũng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh phải đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của người đừng đầu chính quyền.
“Nhiều nơi dân nửa đêm gọi điện cho tôi phàn nàn “cát tặc” mà gọi cho chính quyền không ai tới, thậm chí còn tắt máy. Như vậy, “cát tặc” không ở đâu xa, ở ngay trong lòng những người có trách nhiệm”- ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ và cho rằng tình hình hiện tại đòi hỏi phải điều hành quyết liệt hơn nữa./.