Chiều 25/10, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ của ông Phan Văn Sáu. Trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ông Phan Văn Sáu đã có đơn xin thôi nhiệm vụ vì vấn đề "sức khỏe, gia đình khó khăn". Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ông Phan Văn Sáu sẽ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, để tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Ông Phan Văn Sáu bắt đầu tham gia Chính phủ từ tháng 4/2016. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm ông Phan Văn Sáu (trái), Ủy viên Trung ương Đảng làm Tổng Thanh tra Chính phủ vào ngày 12/4/2016. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 15/4/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu tiếp nhận toàn bộ công việc chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ bao gồm thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng từ người tiền nhiệm - ông Huỳnh Phong Tranh. (Ảnh: Báo Thanh Tra) |
Theo tổng kết của VnExpress, trong năm đầu tiên ông Phan Văn Sáu đảm đương trọng trách ở lĩnh vực "nóng", toàn ngành thanh tra đã triển khai khối lượng lớn công việc với gần 6.600 cuộc thanh tra hành chính và 250.000 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong ảnh, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trong một cuộc làm việc với Cục Chống tham nhũng. (Ảnh: VnExpress) |
Trong đó đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiến hành nhiều cuộc thanh tra lớn như thanh tra Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) - nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng. Trong ảnh: Trụ sở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC nằm trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Cùng năm, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên vào 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước giai đoạn từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009. Theo đó, tổng vốn đầu tư vào 3 dự án nêu trên với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả. (Ảnh: Báo Đấu thầu) |
Kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Riêng với dự án Đình Vũ, cơ quan thanh tra nêu dự án lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. (Ảnh: VTC News) |
Tại hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận ngành có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, cụ thể như tình trạng né tránh, ngại va chạm, nể nang..., dẫn đến kết luận chưa khách quan, chưa đúng bản chất sự việc. "Đây là vấn đề liên quan đến phẩm chất, đạo đức công vụ của từng cán bộ thanh tra, chúng ta phải khắc phục tình trạng này để làm tốt hơn, khách quan hơn trong các kết luận", Phó Thủ tướng nói. (Ảnh: Lao Động) |
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại hội nghị, ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ - khẳng định năm 2017, TTCP và ngành Thanh tra sẽ đổi mới phương pháp thanh tra; nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra; đặc biệt, bám sát phương châm chỉ đạo của Phó Thủ tướng công minh, chính trực, khách quan hơn nữa, kiên quyết phát hiện và xử lý tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, đặc biệt không có tư tưởng có vùng cấm, không vì bất cứ áp lực nào mà bẻ cong kết luận...(Ảnh: Báo Thanh tra) |
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn, đặc biệt là trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà. Trong ảnh: Khu đất nhà máy đóng tàu Sông Thu (Bộ Quốc Phòng) chạy dọc bờ Tây sông Hàn (Đà Nẵng) được chuyển thành dự án khu nhà ở để bán, trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ, văn phòng (Ảnh: Infonet) |
Thanh tra Chính phủ cũng liên tục được giao những "điểm nóng" như dự án trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); nghi vấn nhập lậu thuốc chữa ung thư tại VN Pharma; quá trình cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam; "biệt phủ" của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái... Trong ảnh, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành quy định của pháp luật về minh bạch tài sản thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái (Ảnh: An Tuấn) |
Dưới sự điều hành của ông Phan Văn Sáu, Thanh tra Chính phủ đã công bố nhiều kết luận được dư luận quan tâm, trong đó có nội dung chỉ ra hàng loạt vi phạm trong đầu tư, xây dựng các dự án giao thông theo hình thức BT và BOT ở TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, một trong những hạn chế được chỉ ra là việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn hạn chế... Trong ảnh, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có nhiều sai sót theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Dân Trí) |
Trước khi giữ trọng trách Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Phan Văn Sáu từng giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang. Ông Phan Văn Sáu, 58 tuổi, quê Đồng Tháp, có bằng Kỹ sư cơ khí chế tạo máy, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI, XII. Trong ảnh, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chủ trì làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng ngày 27/5/2016. (Ảnh: Báo Thanh Tra) |
Tháng 9/2015, từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang ông Sáu được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 4/2016, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Trong ảnh, ông Phan Văn Sáu thời điểm được Bộ Chính trị điều động làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Báo Tài nguyên môi trường) |