Với mục tiêu là không bỏ sót nhân tài trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, mới đây Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng.

Nghe nội dung bài viết:

Từ năm 2006 đến nay, Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển vào chức danh lãnh đạo các đơn vị Sở, ban ngành với gần 400 ứng viên đăng ký thi cạnh tranh công khai, trong đó đã có 111 ứng viên trúng tuyển.

Những địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, Quảng Ninh... cũng đã thi tuyển cạnh tranh chức danh phó giám đốc sở. Ở cấp Trung ương, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành thi tuyển thành công một loạt chức danh lãnh đạo các đơn vị.

quang_ninh_ucgq.jpg
Quảng Ninh thi tuyển chức danh Giám đốc sở. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đã đến lúc cần tiến hành một cuộc thi tuyển cạnh tranh rộng rãi để tìm lãnh đạo giỏi. Không nhất thiết phải quy định độ tuổi cho các vị trí lãnh đạo. Người trẻ tuổi cũng có thể được quy hoạch, bố trí ở vị trí này nếu thực sự có tài.

"Phải tiến hành thông qua thi tuyển cạnh tranh. Tức là những người đạt được những tiêu chuẩn cơ bản tham gia vào một cuộc đọ sức để bổ nhiệm vào các vị trí. Cơ quan quản lý, người quản lý phải có những quyết định mạo hiểm. Đề bạt người trẻ mà bảo tốt hay không tốt thì cũng đều không ổn. Thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý. Nói ông này tốt, ông kia tốt cũng chỉ là ý kiến cá nhân thôi. Bây giờ dần dần phải chuyển sang đánh giá cán bộ bằng kết quả đầu ra công vụ. Thông qua đây mới có điều kiện hoàn chỉnh, thay đổi chính sách cho phù hợp sự thay đổi của thực tiễn", ông Thang Văn Phúc nêu ý kiến.

Bộ Tư pháp thi tuyển lãnh đạo cấp vụ. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được đặt lên hàng đầu. Người đứng đầu phải công tâm, liêm chính, biết người tốt, người giỏi để sử dụng, cất nhắc, đề bạt.

"Vấn đề quan trọng là những người đứng đầu cơ quan phải là người trong sáng công tâm, phải là người nhìn xa trông rộng, có cách nhìn chiến lược. Bởi vì người đứng đầu là người điều hòa các mối quan hệ cần thiết trong đội ngũ cán bộ. Và trong quá trình này, một yếu tố nữa là phải căn cứ vào thực tế của cán bộ đó, đóng góp được gì trong quá trình tham gia công tác. Chính thử thách thực tế ấy là một điều kiện quan trọng để xem xét, đánh giá lựa chọn người cán bộ nào thực sự có năng lực, thực sự làm việc, thực sự cống hiến vì dân", GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói.

Việc thi tuyển lãnh đạo được cho là đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung và của các cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói riêng. Mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng. 

Điểm mới của Đề án đó là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu khi lựa chọn nhân sự thi tuyển và chịu trách nhiệm về nhân sự nếu được bổ nhiệm. Viên chức được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương ở trong từng Bộ, từng ngành, từng địa phương nếu đảm bảo, tiêu chuẩn điều kiện thì cũng được tham gia dự tuyển. 

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: "Người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết, nếu đạt 50 điểm trở lên, thì tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ công chức, viên chức của từng cơ quan. Nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm có 3 nội dung: phẩm chất, tư cách đạo đức của người tham gia dự tuyển; trình độ thể hiện sự am hiểu về ngành lĩnh vực mà mình tham gia dự tuyển; thứ 3 là năng lực thể hiện nói được, viết được, làm được".

Đề án tuyển chọn lãnh đạo áp dựng thí điểm tại các bộ ngành, địa phương từ quý 3/2015 này đến quý 3/2018. Hy vọng rằng, khi áp dụng hình thức thi tuyển này, sẽ giải quyết được vấn nạn chạy chức và tìm được người có năng lực thực sự./.