hoang_anh_1_iiry.jpg
Tại Quyết định số 189/QĐ-TT, Thủ tướng vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong ảnh, ông Nguyễn Hoàng Anh nhận quyết định phân công của Bộ Chính trị, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng để làm Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963 tại xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP. Hải Phòng, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị. Ông Hoàng Anh từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa XI; Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...

Việc lựa chọn ông Nguyễn Hoàng Anh lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp được dư luận quan tâm, ủng hộ vì trước khi ông Hoàng Anh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trao quyết định cho ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá ông Nguyễn Hoàng Anh là cán bộ có năng lực, đã được chứng minh qua thực tiễn công tác. Ông Nguyễn Hoàng Anh đã trải qua các chức vụ luôn thể hiện là cán bộ nhiệt huyết, đã góp phần lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Theo đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước... Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản đạt khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.

Trang thông tin "Người đồng hành" dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhận định, sự thành công của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được quyết định bởi chính những nhân sự công tác tại ủy ban này, mà trước hết là những nhân sự quản lý, đứng đầu. Theo bà Phạm Chi Lan, người quản lý ủy ban “phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị”. “Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được". (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Còn chuyên trang điện tử Nhà đầu tư dẫn lời TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhất thiết phải là một nhà chính trị. Theo ông Kiên, Ủy ban này quản lý toàn bộ nguồn lực của quốc gia, lên đến 5 triệu tỷ đồng, mà kinh tế thì phải phục vụ chính trị, nên Người đứng đầu phải là một người làm chính trị để đưa ra những quyết định chính trị, không phải là những quyết định chuyên môn. .(Ảnh: VnEconomy)

Theo Pháp luật Việt Nam, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ rút nhiều doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi các Bộ, chấm dứt tình trạng các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.(Ảnh: Dân Trí)

Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ. 9 tập đoàn chịu sự quản lý của Ủy ban này, gồm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Bảo Việt.