Trong kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ về bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương chỉ rõ, có hai công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính. Vào thời điểm 15/10/2016, Sở LĐTB&XH Hải Dương có 6 trên 9 phòng chuyên môn vượt số lượng cấp phó là 8 người.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ đã ký quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp phòng cho con trai là Phạm Văn Kháng (SN 1980) mà không qua thi tuyển công chức. Khi Bộ Nội vụ thanh tra, con trai ông Tỏ tự nguyện nộp đơn xin thôi giữ chức.
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tỏ cho biết “sơ suất là do anh em cấp dưới trình lên nên tôi không xem xét kỹ... Tôi đã xin tự nhận hình thức kỷ luật trước lãnh đạo tỉnh Hải Dương”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, Luật cán bộ công chức đã quy định cụ thể: “Anh phải thi tuyển vào công chức thì sau đó mới căn cứ quy trình để đề bạt, bổ nhiệm. Nếu không chấp hành là vi phạm và đã có kết luận thanh tra rồi thì căn cứ vào đó mà xử lý”.
Trước việc kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ thời gian qua cho thấy nhiều địa phương “thừa” cán bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, luật đã quy định rõ mỗi cấp có 1 trưởng 2 phó hay 3 phó rồi nên việc bổ nhiệm thừa cho thấy không chấp hành luật và có lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ gì đó.
Sau những kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ vừa qua, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho rằng có thể nhận thấy hai vấn đề ở các địa phương, đơn vị được thanh tra: Sự không thượng tôn pháp luật; kỷ cương, kỷ luật công vụ không nghiêm và trong việc bố trí, đề bạt cán bộ nơi đó có chuyện nể nang, quan hệ, quen biết.
“Điều đáng lưu ý, hiện tượng này thời gian qua báo chí phản ánh cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy không còn là cá biệt, mà lại xuất hiện ở khá nhiều nơi thì đây là tình trạng đáng lo. Cũng có thể đặt vấn đề rằng, trong kỷ luật công vụ của chúng ta liệu có chuyện “trên bảo dưới không nghe”, không thực hiện hay không?!” – đại biểu Phạm Tất Thắng đặt vấn đề.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng khẳng định, việc bổ nhiệm mà không có lý do thuyết phục về yêu cầu công việc cộng với thiếu tiêu chuẩn, điều kiện thì không thể nói là đúng quy trình.
Cũng liên quan công tác cán bộ, khi đánh giá về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình...
Ngoài ra, Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý dẫn đến có hiện tượng “cả họ làm quan” vẫn... đúng quy trình!?
Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ./.
Bổ nhiệm cấp phó tràn lan, không đạt chuẩn là điều đáng lo