Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Điều đó cho thấy, vai trò trách nhiệm quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu trong công tác cán bộ nhằm tập hợp lực lượng lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi bộ ngành, địa phương, đơn vị...

canbo_exfd.jpg
Ảnh minh họa.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, người đứng đầu có quyền tiếp nhận, đề bạt bổ nhiệm, cho nghỉ việc cán bộ dưới quyền nên họ chịu trách nhiệm về đội ngũ cán bộ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế khi đánh giá cán bộ, người đứng đầu lệ thuộc rất nhiều vào việc bỏ phiếu đánh giá của cấp dưới, nên người đứng đầu dễ nảy sinh tâm lý ngại cấp dưới. Do vậy, nhiều người đứng đầu tìm cách đưa vào cấp dưới những người thân cận với mình để dễ bề thoát khỏi trách nhiệm khi có sai phạm.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thiệt hại về vật chất hoặc về con người. Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì cũng phải có cơ chế khuyến khích họ thôi chức, từ chức nếu để xảy ra sai phạm lớn. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm, đạo đức và văn hoá của người đứng đầu.

Nếu người đứng đầu còn coi trọng chức vụ hơn lòng tự trọng, nếu xã hội chưa có cơ chế pháp luật, các tổ chức Đảng chưa có sự khuyến khích và chưa có sự ủng hộ của truyền thông thì việc thể hiện “văn hoá từ chức” như nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ thời gian gần đây khó thực hiện được.     

Vào thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác nói: Tướng quân tại ngoại, toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh. Để thực hiện chắc thắng nhiệm vụ cao cả Bác giao, vị Đại tướng Tổng tư lệnh đã thức trắng nhiều đêm để thay đổi một quyết định mang tính lịch sử - đó là chuyển từ “đánh nhanh - thắng nhanh” sang “đánh chắc - tiến chắc”. Khi ấy nhiều hướng tiến công trên chiến trường, bộ đội ta đã phải kéo pháo ra để bố trí lại đội hình chiến đấu, đảm bảo chắc thắng… 

Ông Đặng Xuân Định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và các cựu chiến binh thường nhắc nhau về câu chuyện lịch sử nói trên. Họ đều đánh giá cao vai trò quyết định của người chỉ huy trong trận đánh, làm sao để vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, vừa giảm tối đa thương vong cho bộ đội. Tuy nhiên, theo ông Định, hiện nay, trách nhiệm người đứng đầu chưa được quy định cụ thể. Vì vậy có tình trạng để xảy ra vi phạm kỷ luật nhưng người đứng đầu không được xử lý đầy đủ; hay như tập thể có thành tích nhưng lại được khen thưởng cho Thủ trưởng đơn vị...

Ông Đặng Xuân Định cho rằng, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, chính quyền, của cấp uỷ đảng cần phải biên soạn quy chế trách nhiệm rất rõ ràng. Quyền lực, quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu đến đâu phải quy rõ. Người đứng đầu làm theo những chuẩn mực đó, nếu làm sai, vi phạm những quy định, điều lệ của Đảng, Nhà nước thì phải bị xử lý nghiêm và dựa vào pháp luật để làm. Ngược lại, nếu làm tốt thì có biểu dương, khen thưởng.

Nhắc lại việc nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn của nhà nước, đầu tư ngoài ngành tràn lan không có khả năng thu hồi vốn dẫn đến thua lỗ, làm phương hại uy tín của Đảng, Nhà nước… tiến sỹ Diệp Ngọc Sương, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng, người có 55 tuổi Đảng rất đau xót.

Bà Sương khẳng định, trong tất cả mọi hoạt động, khi thành công, đặc biệt là trong những sai sót của công ty, bà đều phân tích mổ xẻ để tìm ra phần trách nhiệm của mình trong đó. Theo bà Diệp Ngọc Sương, người đứng đầu không thể đổ trách nhiệm cho cấp dưới, không được biện minh vì hoàn cảnh khách quan mà phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế, dám nhận trách nhiệm về mình.

“Đã là cấp trưởng thì chịu trách nhiệm toàn bộ tất cả những công việc và nhân sự liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tất cả những nhân viên làm việc trong đơn vị có những sai sót, bao giờ tôi cũng tìm thấy trách nhiệm của mình, lỗi của mình ở đâu khi để nhân viên xảy ra các sai sót đó”, bà Sương chia sẻ.

Để đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhiều người cho rằng, Đảng cần dựa vào nhân dân, phát huy được tinh thần dân chủ thật sự trong các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức Đảng cần có cơ chế lắng nghe, tiếp thu và xử lý thông tin từ nhân dân về đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu./.