Trước sự xôn xao của dư luận về những “biệt phủ” đồ sộ trị giá hàng chục tỷ đồng, nhiều quan chức lên tiếng, giải thích khối tài sản đó có được nhờ nuôi lợn, chăn gà, bán chổi đót…

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về nội dung này.

“Trưởng giả học làm sang”

PV: Ông bình luận gì về cách giải thích của một số cán bộ khi sở hữu trong tay khối tài sản “khủng”, những biệt phủ trị giá hàng chục tỷ đồng?

vov_ong_vu_quoc_hung_1_klre.jpg
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ông Vũ Quốc Hùng: Cách giải thích có một nguồn thu lớn, với số tiền cao bằng con đường chăn nuôi, bán chổi, trong khi đầu ra của các mặt hàng này ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khiến dư luận khó tin, trong đó có tôi.

Những cán bộ đó nên giải trình và công khai cho mọi người biết họ có khoản tiền lớn như vậy bằng cách nào.

PV:Ông có nhìn nhận gì về việc những cán bộ đương chức như trường hợp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa… đang sở hữu tài sản hàng chục tỷ đồng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đây là việc không bình thường và khó hiểu. Vì sao những cán bộ của Đảng, Nhà nước có khoản tiền rất lớn để xây dựng biệt phủ hoành tráng, nguy nga? Trong lúc đất nước, người dân xung quanh họ còn rất nhiều khó khăn và giả sử những đồng tiền của họ là chân chính thì những người có lương tri cũng không ai làm việc kiểu “trưởng giả học làm sang” như vậy.

PV: Thưa ông, vì sao năm nào cũng bổ sung việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, nhưng vẫn còn tình trạng kê khai không trung thực, thậm chí ở cả cán bộ cấp cao?

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản nhưng những quy định đó chưa đầy đủ, người kê khai không biết khai như thế nào. Vì với những người có khối tài sản lớn, họ có thể dùng thủ đoạn tinh vi để khai theo nhiều kiểu khác nhau. Nếu họ khai sai thì sẽ như thế nào?

Chính vì vậy, tới đây, ngoài việc cán bộ, quan chức có trách nhiệm kê khai tài sản thì cần quy định bắt buộc họ cũng phải kê khai tài sản của người thân. Đó là một biện pháp cần thiết. Điều quan trọng nữa là phải tiến hành kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này. Chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt.

Bây giờ cách thức khai như thế nào phải làm rõ. Những người đi kiểm tra, giám sát phải là những người công tâm, không nể nang, né tránh, và cần có phương pháp, cách thức để làm thế nào phát hiện những người khai không trung thực.

Một trong những cách thức để kiểm tra, giám sát kê khai có hiệu quả là phải hỏi dân, đồng thời cũng cần công khai cho dân biết.Người dân ở đây phải là những đối tượng cụ thể chứ không thể chung chung.

Những bản kê khai của cán bộ công chức, lãnh đạo đó cũng cần được niêm yết tại  tại cơ quan và nơi cư trú của họ, thậm chí đăng tải lên báo chí. Nếu chúng ta làm được như vậy thì sẽ nghiêm minh, kết quả kiểm tra tài sản sẽ tốt hơn.

Cơ chế kiểm soát tài sản của cán bộ có vấn đề

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính quyền, người đứng đầu các cấp khi nhiều vụ việc quan chức, người thân sở hữu “khu đất vàng”, biệt thự “khủng” nhưng cả hệ thống ở địa phương không ai thấy bất thường, trong khi phần lớn các vụ kê khai tài sản thiếu trung thực do báo chí và dư luận phát hiện?

Ông Vũ Quốc Hùng: Các cơ quan chức năng, cơ quan lãnh đạo, cũng như thủ trưởng các cơ quan đó đã không chủ động mà chủ yếu vẫn do quần chúng, báo chí phát hiện. Điều đó cho thấy sự yếu kém của bộ máy.

Chúng ta có đường lối, chủ trương, các quy định khá đầy đủ, vấn đề bây giờ là đưa vào hoạt động. Nếu là Đảng viên, cán bộ các cấp thì tổ chức Đảng phải giám sát và làm rất nghiêm, chủ động phát hiện.

Bài học kinh nghiệm mà Ủy ban Kiểm tra các cấp đã rút ra là chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả. Vì vậy, muốn làm tốt nhiệm vụ của mình thì phải chủ động, chứ không phải thụ động, đợi có đơn thư gửi tới tận tay mới làm.

Với phương pháp và nhiệm vụ của mình, các cán bộ kiểm tra phải đi sâu vào quần chúng, cán bộ, đảng viên xem những đối tượng, tổ chức, cá nhân thuộc diện kiểm tra, giám sát có vấn đề gì không và phải chủ động phát hiện, phải đi sâu xem xét bản chất thì khi kết luận mới có lý, có tình.

Nhiều vụ lùm xùm về tài sản có dấu hiệu bất thường của quan chức được dư luận, báo chí phản ánh thời gian qua một lần nữa cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có vấn đề. Để khắc phục được việc này cần có quy định chặt chẽ và không ngừng hoàn thiện nó. Trên cơ sở đó, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm việc này.

Chính quyền, người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu không kiểm soát được những hoạt động, hành vi của cán bộ là không làm tròn trách nhiệm. Người nào để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng, có những biểu hiện tư lợi thì những người đó nên được thay thế và bản thân họ cũng nên rút lui khỏi vị trí công tác.

PV: Có ý kiến cho rằng những cán bộ trước khi được bổ nhiệm bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm. Phải xem xét cán bộ theo hướng nếu không trung thực trong kê khai tài sản thì không đủ điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi đồng tình với phương án này. Vì phẩm chất quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên là tính trung thực. Nếu đã kê khai gian dối thì người đó không còn xứng đáng với vị trí công việc, tư cách của người đảng viên, cán bộ. Vì vậy, đề xuất trên là rất hợp lý.

Một số nước trên thế giới, cán bộ, lãnh đạo của họ mắc những thiếu sót, sai lầm đều bị dư luận lên án và những người đó thường bị cách chức hoặc bản thân họ sẽ từ chức. Huống hồ một cán bộ tham lam, gian dối thì làm sao tiếp tục được phụ trách một lĩnh vực nào được.

PV: Kê khai tài sản là việc làm hàng năm của cán bộ, công chức nhưng dư luận xã hội không mấy người tin vào bản kê khai đó. Theo ông, làm thế nào để thay đổi cách làm về kê khai tài sản đang được cho là chỉ mang tính hình thức?

Ông Vũ Quốc Hùng: Do bấy lâu nay chúng ta làm hời hợt, hình thức. Khai xong rồi để vào tủ thì không ai biết cán bộ kê khai như thế nào. Nên bây giờ phải công khai, niêm yết bản kê khai tài sản trong cơ quan, thậm chí ở nơi người đó sinh sống. Cán bộ hoàn toàn minh bạch thì sẽ không sợ nhân dân giám sát.

Người đứng đầu ở các nước khi nhậm chức đều công khai tài sản. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta áp dụng một cách máy móc mà cũng nên nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài.

Ngoài ra, một nguyên tắc cũng vô cùng quan trọng đó là dựa vào dân, phát huy dân chủ; công khai minh bạch, thậm chí hỏi dân đánh giá cán bộ…Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả, đặc biệt là di biến động của tài sản, thì tôi tin vấn đề kê khai tài sản sẽ đạt kết quả tốt hơn.

PV:Xin cảm ơn ông./.