Nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cơ sở, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc, tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm mô hình bí thư kiêm trưởng thôn. Thực tế tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho thấy hiệu quả bước đầu của việc kiện toàn hai chức danh này. 

cam_son_msak.jpg
Đồng quê Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Sau gần 2 năm đảm nhận chức danh Bí thư kiêm trưởng thôn thôn Lĩnh Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Ngọc Nhâm cho biết, “cái được” lớn nhất từ mô hình này là trách nhiệm và hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt. Dù phải đảm nhận hai vai, giải quyết nhiều phần việc, nhưng sự chủ động, “quyết” từ một đầu mối đã giúp các vấn đề trong thôn được xử lý nhanh gọn. Nếu như trước đây, có nhiều việc tuy đơn giản, nhưng cả bí thư và trưởng thôn cùng xuất hiện, mà chưa hẳn đã “đầu xuôi đuôi lọt”, vì một số ý kiến, quan điểm không đồng nhất. Điều này gây lãng phí nhân lực, thời gian, thậm chí là tiền của. 

“Trong công việc kiêm hai vai, bí thư kiêm thôn trưởng thì phải có tầm nhất định để thể hiện bao quát công việc. Cùng với đó, đội ngũ cấp ủy phải phối hợp nhịp nhàng thì bí thư, thôn trưởng mới hoàn thành, nếu không rất nặng nề. Thứ nữa là nhân dân đồng thuận. Việc triển khai Nghị quyết cũng thuận lợi hơn”, ông Nhâm chia sẻ.

Cùng với việc quy chức năng, trách nhiệm về một đầu mối, hiệu quả công việc cao hơn thì phụ cấp của bí thư kiêm trưởng thôn cũng tăng lên phần nào. Bà Trương Thị Loan, Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng thôn Phúc Sơn cho biết, ngày trước, mỗi chức danh được nhận phụ cấp 1,5 triệu đồng thì nay 2 chức danh được nhận gần 1,9 triệu đồng. 

Qua hiệu quả công việc được nhìn thấy, người dân tại tất cả 9 thôn thực hiện thí điểm Bí thư kiêm trưởng thôn tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên đều đồng thuận, ủng hộ mô hình này. Khẳng định, đây là mô hình phát huy hiệu quả, đúng với tinh thần tinh giản cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là địa bàn thôn xóm. 

Ông Lương Hữu Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên cho biết, sau gần 2 năm thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn đã khẳng định tính hiệu quả trong việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và giải quyết công việc trong thôn. Rõ nét nhất là các vấn đề dân sinh được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi; người được giao nhiệm vụ phấn khởi, dễ quyết định trong triển khai các hoạt động tập thể phân công. 

Ông Tiến cho biết, việc hợp nhất hai vai đã giảm được sự đùn đẩy trách nhiệm giữa bí thư và thôn trưởng. Trước đây, khi triển khai một nhiệm vụ gì thì giữa thôn trưởng và bí thư nhiều lúc cũng không đồng thuận. Nhưng hiện nay, bí thư kiêm thôn trưởng trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chi bộ ra nghị quyết, đồng thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, cho nên không có sự đùn đẩy. 

Ngoài việc thí điểm mô hình bí thư kiêm trưởng thôn tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình cán bộ, công chức cấp xã kiêm bí thư chi bộ xóm tại một số địa phương của huyện Đức Thọ. Đó có thể là Trưởng Công an xã, hay Chủ tịch Hội phụ nữ… là bí thư Chi bộ xóm.

Ông Hà Văn Thạch, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải chuyển động, đều phải xây dựng đề án. Việc xây dựng đề án này phải đảm bảo 3 yêu cầu. Thứ nhất là tinh giản và giảm đầu mối. Thứ 2 là cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Đây là mục tiêu Hà Tĩnh quan tâm nhất và đúng với bản chất giai đoạn 1 của nghị quyết 18 (Hội nghị Trung ương 6). 

Thời gian qua, Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện sáp nhập, tinh giảm đội ngũ cán bộ cơ sở, với việc giảm trên 700 thôn, tổ dân phố, giảm hơn 24.000 cán bộ thôn, giúp nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền lương, phụ cấp…/.