Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị về phát huy nguồn lực kiều bào tổ chức tại Hải Phòng.

Theo Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh, trở thành một nguồn lực quý, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước. Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ước tính, số lượng kiều bào có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12%, tương đương khoảng 600.000 người; trong đó, nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới...

Các doanh nhân người Việt ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Đây là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Australia… hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề. Cùng với đó, lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc (khoảng 130.000 - 150.000 người mỗi năm) cũng có nhiều đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước khi trở về với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết thêm: “Đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ”.

Đây là Hội trực tiếp quy tụ đông đảo kiều bào nhất kể từ khi xẩy ra đại dịch Covid-19 đến nay. Hội nghị diễn ra với ba phiên thảo luận chuyên đề về “Đầu tư xanh”, “Phát triển nguồn nhân lực” và “Phát triển chuỗi cung ứng”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao chủ đề và các nội dung thảo luận về đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng phù hợp với các ưu tiên hiện nay của Chính phủ. Đây cũng là những lĩnh vực mà kiều bào có kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế, có thể tư vấn cho các cơ quan chức năng và có dự án hợp tác cụ thể với các địa phương, doanh nghiệp trong nước. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn những đóng góp to lớn của bà con kiều bào trong những năm qua đã góp phần hiệu quả, thiết thực vào thành tựu chung của cả nước và mong muốn các đại biểu, kiều bào cùng trao đổi thảo luận một cách thực chất, tập trung vào những kiến nghị đề xuất cụ thể, chỉ ra những điểm nghẽn, những khó khăn cần tháo gỡ trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, nhằm khai thông nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

“Chúng tôi bày tỏ tin tưởng rằng thông qua diễn đàn này sẽ có nhiều chương trình dự án hợp tác thực chất, hiệu quả với các doanh nghiệp giữa các Hiệp hội tổ chức của kiều bào với địa phương, doanh nghiệp trong nước được hình thành và được triển khai trong thực tế. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc lắng nghe, trao đổi, làm rõ, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của kiều bào trong hội nghị. Tinh thần là thực sự cầu thị, vì mục đích cao nhất là huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc”.