Khi đại dịch Covid-19 qua đi, việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Nga gặp muôn vàn khó khăn, thêm vào đó là ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng rúp mất giá, các mặt hàng thiết yếu lại tăng cao. Riêng tại chợ Trung tâm Moscow hay còn gọi chợ Liublino, mà người Việt quen gọi là chợ Liu, hiện có 4.800 điểm bán hàng. Số người Việt Nam kinh doanh tại chợ chiếm tới 2/3, với trên dưới 10.000 người. Trong số này, 85% buôn bán quần áo và các mặt hàng vải, còn lại mở xưởng sản xuất quần áo, bán cho các tỉnh xa.

Ông Bùi Huy Thắng - người từng sinh sống và kinh doanh tại Nga mấy chục năm cho biết, sau Covid-19, 2/3 số người tồn tại được, 1/3 thua lỗ phải về nước. “Doanh thu của bà con trong cộng đồng giảm nhiều. Do xung đột, điểm bán hàng ở tỉnh xa, nhất là các vùng biên giới họ ít lên Moscow nên kinh doanh ảm đạm. Tuy vậy, người Việt giỏi tương kế tựu kế nên vượt qua rất nhanh. Hiện tại, kinh doanh để có của ăn của để và đưa về Việt Nam thì khó, chỉ cố gắng lo đủ chi phí chi sinh hoạt gia đình và con cái học hành. Không được như trước, nhưng vẫn bám trụ được, chỉ cầm chừng thôi, mong xung đột kết thúc, mọi thứ sẽ thuận lợi trở lại”.

Riêng năm 2023 này, lượng hàng hóa từ các nước thân thiện với Nga chuyển sang Nga nhiều hơn gấp nhiều lần so với những năm trước. Đây là khó khăn lớn với những người Việt đang kinh doanh tại đây nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, người Việt đã chuyển sang bán hàng online. Với những địa bàn xa xôi, đi lại khó khăn, họ chuyển hàng đến tận nơi và nhận tiền qua tài khoản online.

Với những gia đình cả 2 vợ chồng cùng kinh doanh buôn bán, họ phải thay nhau vừa lo công việc kinh doanh, vừa chăm sóc con cái, đưa con đi học và lo việc nhà cửa, cơm nước. Cứ mỗi sáng, 5 giờ đã phải có mặt ở chợ, nhất là vào mùa đông băng giá như nước Nga, đó thật sự là một thách thức.

Chị Trịnh Thị Ngà, người sang Nga từ năm 1998 cho biết, suốt hơn 20 năm nay, gia đình chị chỉ có bữa tối đoàn tụ đủ cả nhà và mọi công việc trong gia đình thường kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. "Thời gian giải trí rất ít. 2 vợ chồng tôi phải sắp xếp để đôi khi đi cùng các con và chỉ đi được 1 người. Thứ Bảy và Chủ nhật, 1 trong 2 người phải ở nhà chơi với con, đưa con đi công viên, còn đi cả nhà là rất khó, chỉ thực hiện được vào dịp Năm mới hoặc Tết”.

Khó khăn là vậy, nhưng bù lại, những người Việt tại Nga luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua thách thức. Anh Lê Bá Toàn, một tiểu thương ở chợ Liublino chia sẻ, ngoài kinh doanh, những người Việt tại Nga có khá nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng. “Đại sứ quán và Ban công tác cộng đồng luôn tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt chung, họp Hội đồng hương hoặc thành lập các Hội đồng hương. Tại Moscow hiện có hơn 10 Hội đồng hương cấp tỉnh, hàng năm có đội bóng của Hội đồng hương, thi đấu rôm rả, đoàn kết. Hàng năm Hội đồng hương đều tổ chức họp mặt, làm từ thiện, giúp đỡ những người Việt khó khăn, đặc biệt là giúp đỡ người dân ở những vùng lũ lụt tại Việt Nam.

Trong các gia đình, đa số con cái họ đều học trong các trường của Nga nên việc nói và viết tiếng Việt bị hạn chế. Những ông bố, bà mẹ Việt Nam đều cố gắng nói tiếng Việt với con nhiều nhất có thể. Để dạy con viết, họ nhắn tin cho con và sửa lỗi cho con mỗi khi chúng viết sai. Không có nhiều thời gian bên con và dạy dỗ con rèn luyện thể chất, họ đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ ở nhà trường như bóng đá, bóng rổ, bóng chày, vẽ, nhảy, múa…

Với họ, nước Nga giờ đây đã là quê hương thứ hai, bởi vậy, tất cả những người con nước Việt xa xứ đều mong muốn năm 2024 sẽ đến trong an lành, nước Nga tiếp tục bình yên và cuộc xung đột mau chấm dứt để tất cả mọi người đều yên tâm học tập, kinh doanh và có thêm nhiều đóng góp cho xứ sở Bạch Dương - nơi họ đang gắn bó.