Là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đầu tư vào hệ thống truyền hình và viễn thông tại Bulgaria, sau gần 25 năm, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Bulgaria, đã phát triển Telecom Group trở thành một trong những công ty tiềm lực nhất, có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn lớn tại xứ sở Hoa hồng. Trò chuyện của phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Văn Hoài:Lý do gì khiến ông quyết định tặng phân bón Lactofol cho nông dân tại tỉnh Cao Bằng và Trường Sa trong dịp về thăm quê hương nhân Giỗ Tổ Hùng Vương?- Trước hết, Lactofol là sản phẩm nghiên cứu khoa học độc đáo của Bulgaria, một đất nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Đây là thành tựu khoa học của Bulgaria trong thế kỷ XX và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và được đưa vào ứng dụng từ năm 1989. Việc sử dụng loại phân bón này mang lại nhiều thuận lợi. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU) đều phải qua kiểm định chất lượng khá ngặt nghèo. Nếu sử dụng phân bón không có nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm khó đáp ứng được yêu cầu của EU. Như vậy, người nông dân sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Qua chuyến thăm Cao Bằng, tôi nhận thấy ở đó có một số loại cây như ngô, thuốc lá phù hợp với phân bón này. Tôi đang bàn bạc cụ thể với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và đảo Trường Sa về số lượng phân bón trao tặng. Sau thời gian thử nghiệm, nếu đạt hiệu quả tốt, công ty của tôi sẵn sàng cung cấp với giá ưu đãi để tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế.
ong-nguyen-van-hoaito.jpg
Ông Nguyễn Văn Hoài
- Ông có thể cho biết kế hoạch đầu tư sắp tới của ông tại thị trường Việt Nam?
- Hiện tại, Công ty Vimx chuyên cung cấp sản phẩm phân bón Lactofol đã có mặt tại thị trường Việt Nam một năm. Lactofol đã được dùng thử nghiệm ở nhiều nơi như Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long. Tất nhiên, sản phẩm nào cũng cần có thời gian để đánh giá mức độ hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, tôi tin tưởng về dài hạn, đây là sản phẩm mang lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Với tư cách là Giám đốc điều hành của công ty, trước mắt tôi đang tìm đối tác có tiềm lực và tin cậy tại Việt Nam để hợp tác và cũng mong muốn phát triển thị trường ra toàn khối ASEAN.- Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, thưa ông?- An ninh lương thực đang là một ưu tiên của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp... Tôi nghĩ rằng đây là một thế mạnh mà chúng ta cần phát huy để phát triển nền kinh tế.
- Là Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại Bulgaria, ông nhận định thế nào về những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt tại thị trường Bulgaria?
- Khủng hoảng nợ Châu Âu đã và đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Thứ nhất, sức mua, hàng hóa tiêu thụ giảm. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh lớn từ hàng hóa nhiều nước khác. Thứ ba, bản thân doanh nghiệp Việt Nam chưa hội nhập sâu với nền kinh tế của đất nước sở tại. Vì vậy, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria nên xây dựng chiến lược dài hạn, tìm cách mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và đoàn kết để tồn tại và vượt qua thời kỳ khó khăn này.
- Xin cảm ơn ông!