Theo thống kê của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tính đến tháng 8/2013, sau 4 năm Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực, mới chỉ có hơn 4.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch. Con số này chỉ chiếm 0,1% trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
1. Vừa qua, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM, đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008. Tại đây, các đại biểu đã được nghe ý kiến đóng góp của các ban ngành liên quan về công tác triển khai thực hiện Luật Quốc tịch, ý kiến của bà con kiều bào nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cá nhân. Và vấn đề được các đại biểu bàn luận chính là điều khoản cho nhập lại quốc tịch Việt Nam đối với người nước ngoài gốc Việt, cùng những chính sách ưu đãi liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về nước sinh sống.
Luật sư tư vấn cho kiều bào về thủ tục pháp lý.Ảnh: Việt Dũng |
Một số kiều bào chia sẻ, hiện việc làm các thủ tục còn vướng nạn "cò” dịch vụ gây không ít phiền hà và tâm lý hoang mang. Về điều này, ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM, cũng đồng tình và cho biết, vấn nạn "cò” dịch vụ là có thật. Phòng đã có những văn bản gửi công an phường để dẹp vấn nạn này. Đồng thời khuyến nghị bà con kiều bào nếu có những vướng mắc, khó khăn, nên gặp trực tiếp nhân viên hoặc lãnh đạo phòng, để không bị nhầm lẫn, mất tiền oan. Bên cạnh đó, một số ý kiến chia sẻ về vấn đề được quyền lợi gì khi có hai quốc tịch. Đây là vấn đề không phải Việt kiều nào cũng nắm rõ. Họ không hiểu được quyền lợi mà mình được hưởng khi có 2 quốc tịch, không biết khi nào thì sử dụng hộ chiếu Việt Nam, và khi nào sử dụng hộ chiếu nước ngoài. Cũng có ý kiến của kiều bào cho rằng chưa nhập quốc tịch vì không còn giữ được những giấy tờ chứng minh mình từng có quốc tịch Việt Nam, xác nhận gốc Việt Nam nên việc xác định quốc tịch kéo dài, gây tâm lý chán nản. Ngoài ra, sau khi đăng ký giữ quốc tịch, người đăng ký cũng không nhận được thông báo về việc bản thân có quốc tịch Việt Nam hay không…
Lý do được đưa ra là vậy nhưng con số 0,1% Việt kiều nhập quốc tịch Việt Nam cũng khiến nhiều người phải giật mình. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Anh (trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM) đã thừa nhận Luật Quốc tịch chưa quy định trách nhiệm và quyền lợi của người có hai quốc tịch.
2. Theo Điều 5 và Điều 6 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người có quốc tịch Việt Nam là công dân ViệtNam. Nhà nước Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực (1/7/2009), phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (1/7/2009 - 1/7/2014) để giữ quốc tịch Việt Nam.
Hiện nay, ngoài một số kiều bào chưa nắm rõ Luật Quốc tịch hoặc chưa hiểu hết được quyền lợi của người có 2 quốc tịch thì đa phần kiều bào đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam để khi đã đứng tuổi, hoặc hết tuổi lao động ở nơi đất khách quê người, họ sẽ được về sống ở quê hương mình. Bởi vậy, một quy định trong Luật Quốc tịch là đến năm 2014 không nhận hồ sơ làm quốc tịch nữa sẽ là thiệt thòi lớn cho họ.
Bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM có kiến nghị, Bộ Ngoại giao nên xem xét việc không giới hạn thời hạn đăng ký để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho bà con kiều bào. Còn đại diện Sở Tư pháp TP.HCM đưa ra giải pháp tức thời, những người có nhu cầu nhập quốc tịch trong tương lai, mà chưa có điều kiện, có thể làm giấy đăng ký giữ quốc tịch, đến khi nào có điều kiện thuận lợi thì làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam sau.
Nhiều ý kiến cho rằng con số kiều bào đăng ký giữ quốc tịch còn thấp có thể do người Việt Nam ở nước ngoài chưa thấy việc đăng ký này mang lại lợi ích thiết thực. Ngoài ra, theo Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thì một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài, hoặc một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hiểu rõ các quy định của việc đăng ký giữ quốc tịch.
Hi vọng sau những ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008, số lượng Việt kiều nhập quốc tịch Việt Nam theo đúng nguyện vọng và quyền lợi từ năm sau sẽ không còn dừng lại ở những con số khiêm tốn./.