Không biết vô tình hay hữu ý mà Tina Nguyễn (Nguyễn Hữu Thiên Nga) khi quyết định rời bỏ công việc ở Mỹ trở về Việt Nam làm kinh doanh lại chọn một vị trí gần nhà của giáo sư Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh để xây dựng khách sạn Faifoo Boutique. Gần 20 năm trước, chị là một học trò của thầy Khê về lý luận âm nhạc, rồi cùng nhau tham gia nhóm biểu diễn nhạc dân tộc.

Vừa kinh doanh vừa quảng bá nhạc cụ

Hơn 20 năm trước, từ lúc còn ở Canada thì chị là một học trò may mắn được Giáo sư Khê định hướng và hướng dẫn để tìm hiểu và gìn giữ âm nhạc cổ truyền ở xứ người. Cùng chung mong mỏi như Giáo sư Khê là gìn giữ và quảng bá âm nhạc Việt Nam, chị đã chọn một lối đi riêng cho khách sạn của mình.

Không biết vô tình hay hữu ý mà Tina Nguyễn (Nguyễn Hữu Thiên Nga) khi quyết định rời bỏ công việc ở Mỹ trở về Việt Nam làm kinh doanh lại chọn một vị trí gần nhà của Giáo sư Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh để xây dựng khách sạn Faifoo Boutique. Gần 20 năm trước, chị là một học trò của thầy Khê về lý luận âm nhạc, rồi cùng nhau tham gia nhóm biểu diễn nhạc dân tộc.
tina-nguyento.jpg
Muốn gìn giữ và quảng bá âm nhạc Việt Nam, Tina Nguyễn đã chọn một lối đi riêng cho khách sạn của mình
Du khách thường rất ngạc nhiên khi đến khách sạn Faifoo Boutique Hotel - một mô hình nhà vườn Huế thu nhỏ trong không gian tĩnh mịch giữa lòng thành phố sầm uất, náo nhiệt. Tại đây, có nhà rường gỗ, các gian hàng thủ công mỹ nghệ như phố cổ Hội An, gallery giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt Nam, nhà hàng với những món bánh mứt cung đình Huế trong những dịp lễ Tết. Đặc biệt, không thể thiếu là các chương trình biểu diễn các nhạc cụ cổ truyền, các thể loại cải lương, quan họ Bắc Ninh, dân ca.

Với những sự khác biệt như thế, Faifoo Boutique Hotel đã trở thành một điểm đến thú vị đối với nhiều du khách nước ngoài. Rất nhiều trong số họ lần đầu được thưởng thức những bản nhạc dân ca được chơi bằng các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, t’rưng. Một số vị khách tỏ ra ngạc nhiên và thích thú với thể loại cải lương. Càng thú vị hơn khi họ được ở gần các nghệ sĩ đang biểu diễn và ca bằng giọng hát thật sự chứ không phải được âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp hỗ trợ.

Đó cũng là một thử nghiệm của Tina trong việc quảng bá âm nhạc dân tộc một cách tự nhiên và sâu lắng hơn trong một không gian Việt hòa quyện cùng những tình cảm, sự trân trọng người thưởng thức của các nghệ sĩ. Dần dần từ việc thích thú, yêu thích đến say mê, một số vị khách nước ngoài đã nhờ Tina dạy chơi đàn tranh và hát dân ca Việt Nam.

Chị kể, từ ngày chị đưa các buổi biểu diễn nhạc dân tộc vào chương trình giao lưu văn hóa tại khách sạn, có rất nhiều vị khách đã trở thành “học trò” của chị dù có những người chỉ lưu trú vài ngày ngắn ngủi nhưng cũng dành nhiều tâm huyết để làm quen và học chơi một bản nhạc dân ca nào đó.

Âm nhạc và thiện nguyện

Về Việt Nam chị thấy buồn vì giờ các em trẻ không mấy mặn mà với nhạc cụ dân tộc, ngay cả khoa nhạc dân tộc của nhạc viện cũng có ít thi sinh thi vào. Sống ở nước ngoài nhiều năm, Tina càng cảm thấy việc gìn giữ và phát huy thể loại âm nhạc dân tộc là một trách nhiệm của một người con gốc Việt.

Chị tâm sự rằng hồi còn ở Canada rồi sau này qua Mỹ, hai nhóm nhạc do chị sáng lập là Lac Viet Associations và Musica quy tụ những nghệ sĩ nghiệp dư từ 7-80 tuổi biểu diễn nhạc dân tộc, để truyền bá văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam, đi biểu diễn ở đâu là được cộng đồng người Việt và cả người bản xứ đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt nhất là buổi diễn của nhóm Lạc Việt tại Nhà hát lớn ở thành phố Montreal (Canada) cho hơn 3.000 khán giả người bản xứ xem. “Tuy là rất cực nhọc để chuẩn bị cho từng tiết mục nhưng sau đó cả nhóm đã rất vui mừng và hãnh diện vì được biểu diễn nhạc dân tộc của mình trên một sân khấu hoành tráng và chuyên nghiệp”, Tina nhớ lại.

May mắn của Tina là trên con đường ấy bên cạnh sự động viên, cổ vũ của thầy Khê cũng như từ các thầy cô cũ ở Nhạc viện TP.HCM, còn có sự đồng hành của những người thân trong gia đình. Đó là ba mẹ chị, là anh trai chị (Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược của FPT), là ông xã chị (Mark Huỳnh - Giám đốc Điều hành Công ty Etigo). Đặc biệt, cậu con trai lớn của chị mới 8 tuổi mà đã thích thú khi dùng đàn t’rưng nhỏ để đàn những giai điệu yêu thích.

Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết Tina còn là một tình nguyện viên thầm lặng và tích cực của nhiều chương trình từ thiện, kết nối các tổ chức y tế, giáo dục nước ngoài đến Việt Nam hỗ trợ chữa trị cho các bệnh nhân ung bướu, trẻ em khuyết tật. Sắp tới, chị sẽ kết nối những đoàn bác sỹ của nước ngoài sang Việt Nam hỗ trợ tại một số bệnh viện lớn của TP.HCM trong công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn cho y bác sỹ và thực hiện một số dự án khác nhằm đưa trẻ trẻ khuyết tật hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống cộng đồng.

Với Tina, hành trình phía trước không chỉ có kinh doanh mà còn có những dự định khác với âm nhạc và thiện nguyện./.