Trong những lần về thăm quê hương, Lưu Danh Hiệp - sinh viên gốc Việt (Cộng hòa Czech) luôn nổi bật bởi khả năng nói tiếng Việt lưu loát, trôi chảy và khuôn mặt thuần Việt sau gọng kính trắng.
Ngay từ nhỏ, Lưu Danh Hiệp đã được bố là giáo viên dạy toán cấp 2 và mẹ là giáo viên tiểu học rèn phương pháp học tập. Môn học được bố mẹ em đặc biệt chú trọng và nghiêm khắc uốn nắn Hiệp lại là môn không có trong chương trình học của nhà trường Czech - môn tiếng Việt. Ở nhà, nói tiếng Việt là bắt buộc. Thậm chí, mang những bài toán khó về hỏi bố, bố giải thích với cậu con trai bằng tiếng Việt. Hiệp bảo em nghe như vậy, thấy dễ hiểu hơn là giảng bằng tiếng Czech. 
 2013_259_13_a1-hiep.jpg
Lưu Danh Hiệp (người đứng giữa - hàng thứ 3)  trong lần về dự trại hè Việt Nam 2013
Dần dần, khi đã biết kha khá, cậu tự lấy sách lịch sử về Việt Nam trên giá sách gia đình xuống để tìm tòi, học hỏi. "Em thích tìm đọc các câu chuyện lịch sử và em thấy rất thú vị khi đọc truyện Lạc Long Quân, Âu Cơ, truyện Hai Bà Trưng, Bà Triệu, hay Lá cờ thêu 6 chữ vàng. Ông em còn mua cho em các quyển lịch sử Việt Nam các đời vua ở Việt Nam từ vua Hùng đến đời Lý, đời Nguyễn”- Hiệp tâm sự.
Trong chuyến về dự trại hè Việt Nam 2013 với vai trò là đại diện thanh niên kiều bào ở Cộng hòa Czech Hiệp vui lắm. Bởi đây là cơ hội để cậu mở mang những kiến thức mà mình mới biết qua sách vở. Và Hiệp đã đúng. Hai mươi ngày trên quê hương Việt Nam để lại ấn tượng khó phai đối với em. Quen được nhiều bạn từ 25 nước trên thế giới và quan trọng hơn là biết được nhiều về lịch sử Việt Nam qua những chuyến đi thăm các di tích lịch sử ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ cột cờ Lũng Cú, đỉnh cao nhất của cực Bắc Tổ quốc đến xứ Huế mộng mơ, nơi từng là kinh đô của 13 đời vua triều Nguyễn hay di sản phi vật thể võ thuật và trống trận Quang Trung ở Bình Định v.v…
Điểm đến nào cũng mang đến cho Hiệp bất ngờ này tới bất ngờ khác: "Việt Nam mình rất đặc biệt và thú vị. Miền Bắc rộng, miền Nam rộng nhưng ở giữa Huế lại rất hẹp, rất đặc biệt, chắc chỉ có ở Việt Nam. Em sống ở cộng hòa Czech, hình dáng lãnh thổ Cộng hòa Czech gần như hình chữ nhật, rất phẳng”.  
 
Những chuyến về quê hương đã giúp Hiệp định hình một cách rõ nét hơn về kế hoạch tổ chức một lễ hội văn hóa, ẩm thực Việt tại thủ đô Praha với sắc màu của các dân tộc Việt Nam mà em đã nhen nhóm từ khi cộng đồng người Việt ở Séc được công nhận là dân tộc thiểu số tại nước này.
Sống ở bên Czech, dù biết Việt Nam có 54 dân tộc anh em nhưng Hiệp chỉ nghĩ một cách đơn giản các dân tộc cơ bản đều giống nhau, chỉ người Kinh mình là khác. Nhưng về Việt Nam, được nhìn, chụp ảnh và cả tiếp xúc với những em bé dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc đã cho Hiệp cái nhìn khác. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa mang những đặc trưng riêng, được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống như các phong tục tập quán, lễ hội, trang phục... 
Chính những chuyến về quê hương đã giúp Hiệp định hình một cách rõ nét hơn về kế hoạch tổ chức một lễ hội văn hóa, ẩm thực Việt tại thủ đô Pra-ha với sắc màu của các dân tộc Việt Nam mà em đã nhen nhóm từ khi cộng đồng người Việt ở Séc được công nhận là dân tộc thiểu số tại nước này. "Em lên kế hoạch làm lễ hội nhân dịp cộng đồng người Việt ở Czech được công nhận là dân tộc thiểu số tại Czech. Em muốn làm một lễ hội hoành tráng để thu hút nhiều khách du lịch từ Đức, Ba Lan, Áo, Slovakia. Chương trình sẽ có phần ẩm thực Việt Nam. Việt Nam có 54 dân tộc nên trong phần văn hóa các dân tộc sẽ có mục trình diễn trang phục của các dân tộc. Em muốn truyền tải các ý tưởng đó cho nhiều người cùng làm”.
Yêu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Lưu Danh Hiệp tâm sự Hiệp thấy cuộc sống ở Việt Nam hợp với mình hơn là ở châu Âu. Sau khi học xong ở nước ngoài, em sẽ về Việt Nam làm việc. Em muốn được làm việc, cống hiến bằng những kiến thức mình đã học được để góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu mạnh. 
Đó cũng là suy nghĩ của nhiều thanh niên gốc Việt như Hiệp khi trở về thăm quê hương. Cội nguồn như một tiếng gọi lan chảy tự nhiên trong tim những người trẻ đang mang trong mình dòng máu Việt./.