Những ngày giáp Tết cổ truyền ở quê nhà, ở Paris, bà con Việt kiều đều nô nức chuẩn bị! Đến chơi nhà những cô bác Việt kiều trong những ngày này, tôi đều cảm nhận thấy một luồng không khí khác hẳn.

Từ vài tuần nay, trời Paris liên tục có tuyết rơi, không khí ẩm ướt, nhưng sáng nay trời bỗng hửng sáng, mới chỉ qua một đêm mà những con phố trở nên khô ráo, quang cảnh gần giống như những ngày giáp tết tại quê nhà Việt Nam, chỉ còn thiếu mùi hương trầm bảng lảng đâu đó…, mặc dù thi thoảng vẫn có những cơn gió thổi bốc tới, đem theo không khí lạnh giá.
tet-2013-paris.jpg
Người Việt ở Paris (Pháp) gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết xa xứ
Xa quê đã nhiều năm, nhưng năm nào tôi cũng có cùng một cảm giác bồi hồi như thế! Trong không khí chuẩn bị tết, thì với đa phần Việt kiều, món không thể thiếu là gói bánh chưng. Gia đình tôi cũng vậy. Được chị Huyền, Việt kiều đã sinh sống gần hai chục năm ở Paris rủ đến nhà chị để gói bánh, tôi rất vui và đồng ý ngay. Mới sáng, mẹ con tôi đã hối hả nhộn nhịp. Các con tôi vốn ngủ vùi vào những ngày chủ nhật vì không phải đến trường thì sáng nay cũng rất vui vì sẽ được chứng kiến cảnh làm những chiếc bánh mà chúng rất thích ăn và mỗi khi ăn thì không ngớt lời khen ngợi ! Cả chồng tôi, anh là người Pháp, cũng háo hức muốn đến xem.Mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo từ hôm trước, lá dong được đặt mua tại Việt Nam, gạo nếp cái hoa vàng to tròn bụ bẫm sau khi đã được ngâm đúng cách, đỗ đã được đồ chín, thịt được thái to và tẩm ướp, những chiếc lạt dài đã được chẻ mỏng,… Cả gian phòng khách được dọn gọn để nhường chỗ cho những mâm lá, chậu gạo, tô thịt… Vừa sửa cho con cách đặt lá và tra gạo, chị Huyền vừa tâm sự rằng ngay từ khi các con chị còn bé, (cháu gái năm nay đã mười bảy và cháu trai mười bốn và đều được sinh ở Pháp) thì năm nào nhà chị cũng gói bánh chưng: "Đây là cách tốt nhất để các cháu hiểu về phong tục cổ truyền của Việt Nam, dạy cho các cháu biết tôn trọng tổ tiên và truyền thống của dân tộc mình…”, chị nói. Quả vậy, nhìn hai cháu thoăn thoắt xếp lá thật đúng cách và rất thuần thục, tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi ngay cả trên quê hương Việt Nam cũng rất ít cháu làm được như vậy. Còn các con tôi sau một hồi bẽn lẽn thì cũng sà ngay xuống sắp lá chọn lạt. Được cháu Quang, con trai chị Huyền, chỉ dẫn, các cháu dùng khuôn và thực hiện dần các công đoạn và cuối cùng, phấn khởi chìa cho mẹ xem chiếc bánh chưng đầu tiên cháu tự gói. Tôi vui sướng, bởi ngay cả tôi, hồi còn ở Việt Nam, bằng tuổi cháu thì cũng chưa thể tự mình gói được một chiếc bánh chưng vuông vắn và đẹp như thế. Đang xếp lá, bỗng cháu thốt lên : "Giờ thì con hiểu hơn rồi!” Tôi hỏi cháu hiểu gì thì cháu thì thầm vào tai tôi "Về truyện Chàng Lang Liêu và Sự tích bánh chưng ngày Tết, mẹ ạ”. Thì ra cháu đang nói đến tập truyện mà trước đây tôi thi thoảng đọc cho cháu nghe trước khi ngủ…

Các câu chuyện về ngày lễ Tết cổ truyền cứ từ từ được khơi dậy. Từ chuyện nọ đến chuyện kia. Từ ngày lễ ông Công ông Táo, đến tảo mộ thắp hương mời các cụ về... Chúng tôi mỗi người sinh ra và lớn lên trong một vùng quê khác nhau ở Việt Nam, nên có những tập tục và các món ăn ngày Tết khác nhau mà ai nấy đều không quên. Cũng nhân dịp này, chúng tôi giải thích thêm cho các con về những phong tục của mỗi miền trong ngày Tết. Tôi vui vì thấy các cháu chăm chú lắng nghe! Bỗng Lan, con gái chị Huyền lên tiếng: "Cách đây mấy năm, gia đình cháu về Hà Nội ăn Tết cùng ông bà và vào thăm Quốc Tử Giám đúng vào ngày lễ ông Công ông Táo, thấy có rất nhiều cá chết trong hồ!”. Tôi hơi sững lại, không khí trong phòng có vẻ như trầm xuống…Bánh đã gói xong, nồi đã chuẩn bị để luộc bánh. Khi ánh lửa bếp ga lóe sáng thì chúng tôi quây quần bên chén trà nhài bốc mùi thơm ngào ngạt. Chồng tôi lại có vẻ hồ hởi hơn cả. Anh nói thích ăn bánh chưng nhưng thực tế chưa bao giờ được mục sở thị như thế này. Thật nhiều chi tiết thú vị. Con gái tôi nhanh nhẹn, phấn khích kể lại cho bố nghe chuyện Sự tích bánh chưng xanh và không khí trong phòng lại sôi động lên.
Ngoài trời hình như đã bớt lạnh, các ngọn cây đã được mặt trời tưới nắng sưởi ấm. Những câu chuyện về quê nhà cứ triền miên không ngớt, chúng cũng gần giống như ngày xưa, trong xóm nhỏ nhà tôi, khiến tôi ấm lòng và cảm thấy quê hương không còn quá xa nữa./.