Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới đều dành thời gian trở về quê hương đón Tết nguyên đán.

Lần này trở về Việt Nam đón Tết nguyên đán, bà Đặng Lan Hương, Việt kiều ở Slovakia đã không giấu nổi niềm xúc động: “Tết dương lịch là cái Tết dành cho tất cả người dân trên khắp thế giới. Còn Tết nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam với nhiều nét khác biệt", bà Hương cho hay

Theo bà Hương, cứ Tết nguyên đán đến là có cành đào, cây quất, nhành mai, bánh chưng xanh. Tất cả người con dù sinh sống, làm việc ở bất kỳ đâu đều mong muốn trở về quê hương để đoàn tụ cùng gia đình, anh em.

Đây là cái Tết với những thời khắc rất thiêng liêng để tất cả mọi người đều muốn cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau sum họp đầm ấm.

"Năm nào, chúng tôi cũng muốn cùng với các con trở về quê hương để các cháu biết được cội nguồn của mình bắt nguồn từ đâu, phong tục của người dân Việt Nam ra sao. Dù đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng muốn trở về quê hương đón Tết cổ truyền”, bà Hương cho biết.

Ông Nguyễn Hải Anh, Việt kiều tại Ukraine cho rằng, chỉ có một số nước ở châu Á trong đó có Việt Nam mới có ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo những việc đã diễn ra trong năm qua của các gia đình. Bữa cơm tất niên, mồng Một Tết là không thể thiếu đối với mỗi gia đình.

Để giúp bà con Việt kiều đón Tết đầm ấm, Cộng đồng người Việt tại Ukraine thường xuyên có những hoạt động như: gói bánh chưng, tổ chức đón giao thừa. Những việc làm này còn giúp thế hệ trẻ, con cháu người Việt tại Ukraine hiểu rõ hơn về Tết cổ truyền dân tộc.

Là một người con đất Việt đang sinh sống ở Ba Lan, chị Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, người dân Việt Nam có thói quen đi lễ chùa ngày mồng Một Tết.

Trong tháng Giêng âm lịch, có rất nhiều lễ hội nên mỗi khi về nước, nhiều bà con cũng đi lễ chùa. Với chị Kim Dung, việc đi lễ chùa trong ngày lễ Tết là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam và cũng được nhiều bà con Việt kiều gìn giữ và thực hiện thường xuyên.

Dù xa quê nhưng những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn là những ký ước đẹp đối với bà Đặng Lan Hương, Việt kiều ở Slovakia.

Cha ông  ta có câu: “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Đây là phong tục đẹp từ bao đời và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khơi gợi cho con người dù có đi đâu xa cũng phải nghĩ đến cha mẹ, người đã dạy dỗ mình.

Ngoài ra, trong ngày Tết, người dân cũng thích đi tham quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tham gia các lễ hội. Những hoạt động này sẽ giúp người dân thêm yêu quê hương.

Ngày Tết với những nét đặc trưng, phong tục truyền thống mãi in đậm trong tâm trí của bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới... Đối với những người con xa quê hương, Tết là thể hiện dấu ấn của văn hóa Việt nên dù có đi đâu xa thì cứ Tết đến là họ lại hướng về quê hương./.