Cùng với không khí náo nức đón xuân Giáp Ngọ của nhân dân cả nước, các gia đình người Việt ở Vương quốc Campuchia cũng đang tất bật trang trí nhà cửa, nấu bánh chưng bánh tét để đón Tết Nguyên Đán.
Dù ít dù nhiều, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi gia đình đều cố gắng làm mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong ba ngày Tết theo đúng phong tục tập quán người Việt.
Việt kiều tham gia gói bánh chưng |
Nằm ở gần sân bay Quốc tế Phnom Penh, nhà của gia đình bà Trần Thị Phượng trong ngày giáp Tết bày la liệt lá dong, gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn để chuẩn bị gói bánh chưng.
Là chủ một cửa hiệu lớn, nhưng hôm nay bà quyết định nghỉ bán hàng để dành thời gian cho việc chuẩn bị Tết.
Bà Phượng quê gốc ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, tuy sinh sống và lập nghiệp ở đất nước Chùa Tháp đã hơn 30 năm nhưng mỗi lần Tết đến, ông bà đều tập trung ba người con để truyền lại cách nấu các món ăn Việt Nam, làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên đúng theo truyền thống. Năm nào bà cũng nấu bánh chưng, gói giò, thịt đông, hành muối. Nhiều gia đình người Việt không có điều kiện nấu bánh chưng đều nhờ bà gói hộ đôi ba cặp để Tết đến xuân về có hương vị quê nhà.
Bà Phượng tâm sự: “Hàng năm tôi đều gói bánh để nhớ tới cội nguồn quê hương của mình. Gần đến Tết tôi cũng nhớ quê nhà lắm. Tại vì mình xa quá nên không thể nào có điều kiện về được. Cho nên hàng năm tôi phải làm như vậy để tôi nhớ tục lệ của người Việt mình”.
Ngoài các thành viên trong gia đình, hôm nay nhà bà Phượng cũng đón một nhóm lưu học sinh Việt Nam đến học gói bánh chưng. Nguyễn Văn Duy – học tại trường Đại học Hoàng gia Campuchia cho biết, tranh thủ được nghỉ học, Duy cùng nhóm bạn quyết tâm học gói bánh chưng.
Đây là một sản vật không thể thiếu được trong dịp Tết của người Việt nên anh sẽ cố gẳng học để gói được bánh chưng đẹp và vuông vức. Qua đó, có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế một nét văn hóa của Việt Nam. Duy chia sẻ: “Qua đây thì em cũng thấy rất là vui và cũng rất là tự hào bởi vì phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam mình vẫn luôn luôn được giữ vững và tiếp tục được phát huy và phát triển’’.
Cùng với bà con người Việt sống ở thủ đô Phnom Penh, Việt kiều ở các tỉnh cũng tùy theo hoàn cảnh, phong tục tập quán gốc gác của mình mà chuẩn bị đón Tết.
Người Việt bán hoa Tết tại khu vực Biển Hồ |
Năm nay, bà con sống trên Biển Hồ không được mùa cá như năm trước nên đời sống cũng có phần giảm sút. Dù vậy, trên các nhà thuyền thi thoảng vẫn thấy có gia đình tụ họp gói bánh tét. Vị thơm của lá, của nếp, xen lẫn với sắc mai vàng đây đó cũng đủ để không khí Tết lan tỏa trên sông nước, ấm lòng những người con xa quê.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chi hội trưởng Hội người Campuchia gốc Việt Nam xã Chhnoc Tơ ru, huyện Bo Ri Bô – tỉnh Kampong Chhnang cho biết, ở đây có gần 700 hộ người Việt. Tuy còn khó khăn nhưng bà con mình sống rất hòa thuận. Chi hội những ngày này thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con để mọi gia đình được đón xuân vui vẻ, ấm áp theo đúng phong tục tập quán của người Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam gói bánh chưng |
Ông Minh chia sẻ: “Phong tục của cha ông mình để lại mà mình giữ vững được đúng thì mình mới là người Việt Nam chứ. Khi tới Tết là trong tâm hồn của mỗi người xa quê hương có một cái ý nghĩ mình phải giữ làm sao cho được trọn vẹn cái phong tục tập quán của mình’’.
Mỗi độ xuân về, như mọi người Việt Nam xa tổ quốc, bà con Việt kiều ở Campuchia cũng luôn nhớ đến sắc hoa đào, hoa mai, nhớ vị bánh chưng, bánh tét. Yêu quê hương, bà con mang trọn vẹn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình để làm nền tảng xây dựng cuộc sống, hướng về tương lai tươi sáng./.