Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức hiện có khoảng 125.000 người. Số quán bán đồ ăn châu Á của người Việt ngày càng nở rộ.

Nằm ở góc của một con phố trung tâm thành phố cảng Hambourg, quán ăn mang tên Cooko, bề ngoài không có gì đặc biệt vì "gu" trang trí nhẹ nhàng, giản dị nhưng khi bước chân vào bên trong, thực khách cảm thấy không khí rất ấm cúng. Nhưng điều khiến bất kỳ ai lần đầu đến thành phố cảng này cũng phải ngạc nhiên là dòng người đang xếp hàng dài để chờ có chỗ ngồi thưởng thức các món ăn ở quán. Lẫn trong đám đông, chúng tôi cũng chờ đợi để đến lượt được ngồi một bàn trong góc khuất. Nụ cười của cô gái Việt Nam phục vụ khi bắt gặp những người mới từ quê hương sang như rạng ngời hơn và câu chuyện cũng vì thế trở nên rôm rả. Quá bận ghi thực đơn, cô chỉ kịp trao đổi vài tin quê nhà để rồi biến mất sau một cánh cửa khép kín. Rất nhanh, bát phở bò của chúng tôi được bê ra thơm phức giữa trời đông xứ lạnh trong ngày cuối năm. Sợi bánh phở mềm, miếng thịt bò thái mỏng gợi nhớ hương vị phở Hà Nội đến da diết. Nếm thử nước dùng, bỗng thấy sống mũi cay cay - cay không vì ớt mà vì nỗi nhớ quê nhà.
le%20quoc%20khanh.jpg
Anh Lê Quốc Khánh, chủ quán ăn Cooko.
Chủ quán Cooko là anh Lê Quốc Khánh, một người Hà Nội, sang Đức từ năm 1990 và đã có 15 năm kinh nghiệm làm nghề. Anh Khánh cho biết, từ khi sang Đức đến nay, anh đã trải qua nhiều nghề nhưng cảm thấy tâm đắc nhất với nghề này. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, những món phục vụ ở quán ngày càng chiếm được sự yêu thích của thực khách bản địa. Anh Khánh tâm sự: Các món ăn Việt Nam như phở, bún, mì xào, miến trộn, bánh cuốn, đậu phụ sốt cà chua… được người dân Đức đặc biệt yêu thích. Theo anh, bí quyết thành công chính là ở khâu chế biến, nguyên liệu phải tươi ngon và cách kết hợp các loại gia vị tinh tế. Dù là món ăn Việt Nam nhưng phải chế biến phù hợp với khẩu vị và tâm lý của người Đức. Với nguyên tắc: người phục vụ, nấu ăn phải đặt tâm mình trong công việc nên dù là chủ nhưng hằng ngày, anh Khánh vẫn trực tiếp đi chợ, lựa chọn thực phẩm, lên thực đơn, hướng dẫn nhân viên thực hiện và giám sát tỉ mỉ từng khâu chế biến. Chính cái tâm ấy đã tạo "chỗ đứng" cho quán ăn Việt Nam trong đời sống người dân Đức. "Tiếng lành đồn xa", lượng khách cứ thế đông dần, tạo cho quán doanh thu ổn định, tạo thêm công việc cho bà con kiều bào sinh sống tại Hambourg và hơn thế, trở thành "địa chỉ đỏ" cho nhiều người Việt xa quê. Các nhân viên trong quán có cả những người Việt sinh sống lâu năm ở Đức, đã gắn bó ngay từ những ngày đầu mở quán và có cả những cô cậu sinh viên Việt Nam sang Đức theo học, được anh Khánh tạo việc làm "ngoài giờ" để trang trải chi phí học hành, sinh hoạt. Thậm chí, có nhiều em được bố trí cả chỗ ở khi mới đặt chân đến Đức. Ở thành phố cảng này, từ quán của anh Khánh, dần dần, người Việt cũng mở thêm nhiều quán ăn khác, tạo nên một Việt Nam nhỏ nơi đất khách. Hệ thống quán Box của anh Trần Đức Bình là một ví dụ. Từ chỗ chỉ có một nhà hàng với vài nhân viên Việt Nam khi thành lập (năm 2004), Box đã phát triển thành chuỗi nhà hàng với gần 70 nhân viên với đủ loại quốc tịch. Với mức lương 7-8 euro/giờ, thu nhập hằng tháng của nhân viên quán ổn định hơn so với nhiều công việc khác. Cũng nhờ thu nhập ổn định từ những quán ăn này mà gia đình anh Bình giành được chỗ đứng tại nước sở tại. Ngôi nhà khang trang nằm ở vị trí đẹp, ngay con đường trung tâm thành phố cảng, 2 con đều theo học ở những trường danh tiếng, thành tích học tập không thua kém học sinh Đức. Mỗi khi có điều kiện về Việt Nam, cả gia đình anh lại trực tiếp tham gia những hoạt động trợ giúp người nghèo. Chia tay các anh, chị trước thềm xuân mới nơi trời Âu, giữa khung cảnh tuyết phủ trắng xóa, chúng tôi thêm ấm lòng. Chính sự đùm bọc, "tương thân, tương ái" của bà con nơi đất khách đã và đang gìn giữ bản sắc, văn hóa Việt ở nơi cách dải đất hình chữ S hàng nghìn kilômét./.