Chương trình gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt - Cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh được tổ chức từ ngày 6 đến 9-8, tại tỉnh Lâm Đồng đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.
Tìm hướng hội nhập cho sản phẩm địa phương 
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, chương trình lần này sẽ tập trung vào việc kết nối trực tiếp các doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Từ đó cùng nhau chia sẻ những ý tưởng hợp tác kinh doanh, kinh nghiệm đầu tư quý báu, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tự giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình. 
Chương trình lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội năm 2011, với sự tham dự của 400 đại biểu (trong đó có 200 đại biểu là doanh nhân kiều bào). Nhiều ý kiến, kiến nghị của các đại biểu mong muốn giúp Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi.
cua-hang-thanh-binh-phap.jpg
Người tiêu dùng ở Pháp rất thích đồ ăn Việt. (Ảnh: Phỉ Thúy)
Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Họ chính là  cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài, là kênh truyền dẫn vào Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, những thông lệ quốc tế về quản trị và là nguồn tài chính không nhỏ bổ sung cho thị trường tài chính Việt Nam. Do vậy, theo đánh giá của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chương trình  Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt năm 2013 chính là cầu nối cho việc hợp tác, giúp các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mở rộng thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đưa nền kinh tế "vượt bão”.
Chương trình sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội thảo với chủ đề "Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt - cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh”, các hoạt động giao lưu giữa các doanh nghiệp; hoạt động trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, giới thiệu doanh nghiệp, tìm đối tác; khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích … Đặc biệt các doanh nhân người Việt ở nước ngoài sẽ trực tiếp đi thăm các sản phẩm chủ lực của địa phương, các doanh nghiệp tiêu biểu. Tìm ra đường hướng đưa sản phẩm từng bước hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, vai trò doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong việc giao thương, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cũng như đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. 
Luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước
Do đội ngũ doanh nhân với phần lớn là trí thức, chuyên gia có trình độ cao sẽ là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng đất nước, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới, cùng nhau góp sức làm cầu nối gắn kết nền kinh tế đất nước với thị trường mở toàn cầu. Việc tranh thủ, phát huy lợi thế  sức mạnh doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài còn góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có rất nhiều người về để tìm hiểu cơ hội kinh doanh.  Đây chính là điểm tựa quan trọng để đưa hàng Việt vươn xa. Hiện tại nhiều kiều bào mong muốn đưa hàng Việt Nam đi sâu vào thị trường Hoa Kỳ, Pháp, EU và nhiều nước khác để tăng lượng hàng hóa phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Cuộc gặp gỡ doanh nhân kiều bào năm 2013 là cơ hội vàng để các địa phương và doanh nghiệp trong nước trao đổi, gặp gỡ với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Tiềm năng và thế mạnh kinh tế của doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào sẽ được điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ doanh nhân kiều bào đồng hành phát triển cùng nền kinh tế cần có "cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá, nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực cả về kinh tế và chất xám./.