Người đàn ông đứng tuổi ấy năm lần bảy lượt dặn dò tôi rằng "đừng viết quá lên về cuộc đời ông. Hãy tôn trọng lịch sử như những gì nó đã và đang diễn ra”. Vâng, câu chuyện tôi viết về ông, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bỉ, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh - Đỗ Tấn Sĩ, là câu chuyện cảm động của một người con đất Việt hết lòng phụng sự Tổ quốc.
Yêu nước, cách riêng của mỗi người
Tôi sinh ra khi đất nước chưa im tiếng súng chống Pháp và trưởng thành khi quân Mỹ đổ bộ vào xâm chiếm miền Nam. Ngày ngày tôi chứng kiến những cái chết thương tâm, những cuộc đời lầm than, tiếng khóc tức tưởi của những người vợ mất chồng, tiếng thở dài não nề của những người mẹ bặt tin con… Tất cả những mất mát đau thương là do hai cuộc chiến tranh mang đến. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống anh trai đầu của tôi, khi anh vừa bước qua tuổi hai mươi. Hai anh kế tôi cũng theo con đường binh nghiệp để rồi sau này được tập kết ra Bắc.
Còn tôi, trong những năm 1960-1965, tôi tích cực tham gia phong trào sinh viên chống các chính quyền nối tiếp nhau làm con cờ của người Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời ra sức học tập. Năm 1964, sau khi dành được tấm bằng cử nhân toán với điểm số cao, tôi may mắn được cử ra nước ngoài tiếp tục con đường học vấn theo ý nguyện của mình. Năm 1966, tôi đã chọn Bỉ là nơi dừng chân để làm luận án Tiến sỹ vật lý thay vì đi Pháp, vì lúc bấy giờ quan hệ Paris-Sài Gòn bị cắt đứt sau bài diễn văn yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam của Tổng thống De Gaulle.
|
Ông Đỗ Tấn Sĩ |
Ngay sau khi đặt chân tới Bỉ, tôi và một số bạn bè cùng chí hướng bắt tay gây dựng Phong trào sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra tất cả các trường đại học trên toàn Vương quốc Bỉ, và chỉ sau một thời gian ngắn đã có trên 90 người tham gia thành lập Hội sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ (10-1973). Hội đã cho ra đời một tờ báo mang tên Giải Phóng để truyền tải những vấn đề nóng hổi trong nước đến kiều bào ở Bỉ và tổ chức rất nhiều hoạt động yêu nước của sinh viên, Việt kiều ở Bỉ. Chúng tôi không chỉ tổ chức văn nghệ, mít tinh, chiếu phim, tranh luận, xuống đường biểu tình tố cáo tội ác của Mỹ mà còn tiếp sức cho các đoàn ngoại giao trong nước hoặc từ Paris sang công tác tại Bỉ cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.
Năm 1979, đất nước vốn chưa lành những vết thương chiến tranh chống Mỹ lại rơi vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam. Các sinh viên, kiều bào yêu nước tại Bỉ tiếp tục vận động người Việt, người Bỉ quyên góp tiền, thuốc men, vật dụng chuyển về trong nước… và Hội cũng luôn hết lòng hướng về đất nước. Cứ như thế, hễ trong nước có biến cố gì, Hội sinh viên, Việt kiều yêu nước tại Bỉ luôn đập chung nhịp đập trong nước.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã định cư ở Bỉ 30 năm, ông Sĩ dừng câu chuyện đã trở thành lịch sử. Trong suốt 30 năm ấy hình ảnh quê hương gian khó luôn ở trong trái tim tôi. Lúc nào tôi cũng muốn trở về quê hương nhưng quả thật tôi nghĩ yêu nước không có nghĩa là phải sống trong lòng đất nước. Sống xa Tổ quốc nhưng lòng luôn hướng về và có hành động thiết thực xây dựng đất nước, đó cũng là một cách yêu nước.
Quyết định trở về quê hương là hoàn toàn đúng đắn
Sau một thời gian dài gắn bó với nước Bỉ, năm 1996, ông Đỗ Tấn Sĩ đột ngột đưa ra quyết định gây bất ngờ cho quá nhiều người đó là: trở về Việt Nam. Trong buổi tiễn đưa có rất nhiều người đã hỏi tôi tại sao anh lại quyết định trở về Việt Nam. Tôi bảo: - Mỗi quyết định của mỗi một con người trong một giai đoạn nhất định đều có lý do. Tôi quyết định trở về nước có rất nhiều lý do, nhưng có hai lý do chính: Thứ nhất, suốt 30 năm ở Bỉ, tôi luôn nhớ và yêu quê hương mình. Với tôi, Việt Nam là nơi đẹp nhất trên thế giới này. Chiến tranh chấm dứt từ năm 1975, nhưng tôi chưa thể trở về vì việc Hội bộn bề và con tôi còn quá nhỏ. Giờ thì mọi chuyện đã ổn. Đứa con nhỏ nhất của tôi cũng đã vào đại học. Tôi không thể nói với bạn bè rằng, tôi ở lại vì con cái nữa. Với kiến thức nhiều năm tích lũy được ở nước ngoài khi trở về Việt Nam tôi sẽ có rất nhiều việc để làm, đó là lý do thứ hai tôi quyết định phải trở về.
Giờ thì tôi thấy quyết định trở về của mình là hoàn toàn đúng đắn. Tôi không có thời gian để nghỉ. Rất nhiều việc đang chờ tôi giải quyết. Cuộc sống của tôi hiện tại thật sung sướng và hạnh phúc.
Tôi tò mò muốn biết niềm hạnh phúc đang chan chứa trong mắt một người đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm kia là gì? thì được ông kể cho nghe về quy trình làm việc quên thời gian với các dự án viết sách, ra đĩa toán, vật lý, khoa học tự nhiên… để giúp người Việt có thể nhanh chóng tiếp cận thế giới học tập bên ngoài. Rồi thì hàng trăm những việc không tên ở Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nữa…Tôi hiểu, với ông, sống có ích, được làm việc, được cống hiến là điều hạnh phúc lớn lao. Ông bảo, mình già rồi không nhanh như khi còn trẻ nhưng sẽ cố gắng mỗi ngày một việc, như con tằm nhả tơ. Hy vọng, những việc làm của mình sẽ có ích cho đất nước…/.