Mỗi viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đều được tặng một thanh gươm có khắc những dấu ấn của chính cá nhân ấy.Là người Việt duy nhất được vinh dự bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Viện sỹ Bùi Huy Đường cũng được tặng một thanh gươm. Tuy xa quê nhà từ nhỏ nhưng tâm trí, suy nghĩ của ông luôn hướng về quê hương, đất nước, mong muốn làm được nhiều điều cho đất nước Việt Nam của mình.

bui-huy-duong.jpg
GS.Viện sĩ Bùi Huy Đường

Bùi Huy Đường chưa hề đến trường cho đến tuổi 12 nhưngkhi mới 7 tuổi, ông đã đọc được chữ Việt. “Tôi chỉ là cậu bé trẻ tuổi mà tôi lại đọc được chữ Việt. Tôi thật hãnh diện đã làm được việc này. Có lẽ niềm kiêu hãnh này là động cơ giúp tôi đi xa trong học vấn” - GS Bùi Huy Đường chia sẻ.

Một trong những bức ảnh về thanh gươm do Viện Hàn lâm Khoa học Pháp tặng được GS Bùi Huy Đường gửi tặng bạn bè, đồng nghiệp thân thiết

Giáo sư Bùi Huy Đường đã rất trân trọng thanh gươm này. Thanh gươm của Viện sỹ Viện Hàn lâm Pháp Bùi Huy Đường với những chi tiết được khắc họa trên đó cho thấy, ông là người luôn nhớ về Tổ quốc. Chia sẻ với các đồng nghiệp, Viện sỹ Bùi Huy Đường cho biết, để có được những chi tiết khắc họa như ý trên thanh gươm quý, ông đã nhờ Gs Hoàng Xuân Hãn - một học giả lớn, một giáo sư Toán học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam viết giúp chữ Bùi bằng tiếng Hán- họ của gia tộc ông. Trên chuôi gươm có tên ông ở chính giữa với các chữ cái: B.H.D.Phần đốc gươm được mạ vàng với dòng chữ: Viện Hàn lâm Pháp. Quả cầu ở đốc gươm có hình ảnh Tháp Rùa và con số 1995 – năm ông được bầu chọn vào Viện Hàn lâm Pháp.

Hình cung tên mạ vàng được trang trí trên thân gươm chính là biểu tượng của hai chữ Việt Nam.

Thanh gươm được làm từ thép không rỉ của Trung tâm Nguyên tử Pháp. Trên đó có ghi nơi ông làm việc: Điện lực Pháp. Trên vỏ bao gươm có tên của nhà văn Bùi Huy Bích là cụ nội của Viện sĩ Bùi Huy Đường, người có bia ở Văn Miếu (Quốc Tử Giám, Hà Nội – PV). Với những người bạn, người đồng nghiệp quý mến của mình, ông đã gửi tặng bức ảnh chụp thanh gươm kèm theo lời chú giải những gì đã được ghi khắc trên đó.

Lời chú giải những gì đã được ghi khắc trên thanh gươm.

Bùi Huy Đường được bầu làm Viện sĩ thông tấn năm 1987 rồi Viện sĩ năm 1995 của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Ông cũng là thành viên sáng lập của Viện Hàn lâm Công nghệ Pháp (2001) và thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu (cùng năm). Năm 2008, ông được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Légion d’Honneur).

Giáo sư Bùi Huy Đường được Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM trao Bằng Tiến sỹ danh dự Causa.

Trong sự nghiệp làm khoa học của mình, GS.Viện sĩ Bùi Huy Đường đã viết nhiều sách như “Cơ học vật rắn và bài toán ngược”, “Cơ học rạn nứt”... Cuốn nào ông cũng dành bản quyền miễn phí cho các đồng nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhiều cuốn sách của ông được dịch sang tiếng Việt phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam.

Theo đánh giá của GS Nguyễn Đăng Hưng – một người bạn thân thiết của GS Bùi Huy Đường: “Tôi, không có gì phải nghi ngờ, GS. Bùi Huy Đường là một trong những nhà cơ học gốc Việt hàng đầu”./.