Ông Lý Xương Căn, hậu duệ thứ 26 của Hoàng tử triều Lý nước Đại Việt Lý Long Tường.Trong căn hộ ấm cúng ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), ông Lý Xương Căn bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình ở Seoul, khi lần đầu tiếp cận thông tin dòng họ Lý Hoa Sơn (Hwasan) của mình có nguồn gốc từ một quốc gia Đông Nam Á trước đây có tên gọi là Đại Việt.

Sự rung động lạ kỳ

Trong những năm 1950-1960, bác ruột của ông Lý Xương Căn là Lý Hoon đã sớm tiếp cận thông tin về nguồn gốc của dòng họ từ một giáo sư người Hàn Quốc. Ông Lý Hoon đã dành nhiều tâm sức cho việc xác thực thông tin này, nhưng vì điều kiện chiến tranh ở Việt Nam, Hàn Quốc khi đó chỉ có quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn nên ông Hoon không thể về thăm quê hương Bắc Ninh được. Năm 1975, ông Hoon lâm bệnh và qua đời. Những tài liệu mà ông Hoon sưu tầm được gia đình cất giữ cẩn thận.

Năm 1992, Lý Xương Căn, 34 tuổi và đã có gia đình riêng. Nhớ tới cuộc đời của bác Hoon và câu chuyện Việt Nam là quê hương mình, Lý Xương Căn bèn mang những tài liệu lịch sử mà bác Hoon đã sưu tầm được tới Đại sứ quán Việt Nam gặp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc khi đó là ông Nguyễn Phú Bình. Ông Căn kể lại: "Lúc đó, tôi chưa hề biết gì về Việt Nam, dĩ nhiên không biết tiếng Việt. Thật may mắn, ông Phú Bình lại nói tiếng Hàn rất tốt nên chúng tôi trao đổi dễ dàng. Sau đó, thông qua Đại sứ Phú Bình, tôi được thu xếp về thăm Việt Nam vào tháng 5/1993".

dai-tuong-vng-1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Lý Xương Căn năm 1998.

Ông Căn được phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cử người đưa đón, phiên dịch và đưa đi thăm viếng đền thờ Lý Bát Đế (được vua Lý Thái Tông xây dựng từ năm 1030) tại Bắc Ninh. Kể từ chuyến đi ấy, một sự rung động kỳ lạ dường như được thức tỉnh trong trái tim Lý Xương Căn và từ đó, ông thường xuyên đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn về nguồn cội của mình.

Từ lời căn dặn của Tướng Giáp

Năm 1998, thông qua Bộ Ngoại giao, ông Lý Xương Căn đã có cơ hội được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Dù khi đó, ông Căn chưa nói được tiếng Việt, phải có một người phiên dịch đi cùng, nhưng cử chỉ gần gũi, ân cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến ông Căn có cảm giác mình giống như đứa con xa nhà lâu ngày trở về, còn Đại tướng bao dung tựa người cha...

Ông Lý Xương Căn nhớ lại: "Đại tướng ngồi sát cạnh tôi, thân thiện cầm tay tôi trong suốt cuộc trò chuyện. Cụ ân cần dặn dò tôi: "Cháu mang trong mình dòng máu Việt Nam, vì thế, hãy luôn nhớ cháu là người Việt Nam và hãy làm điều gì đó để đóng góp, xây dựng cho nước nhà". Lúc đó, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục và kính trọng Đại tướng vì dù tuổi đã cao, sức đã yếu mà từng lời nói của ông luôn canh cánh những trăn trở vì dân, vì nước".

Sau cuộc gặp gỡ đó, ông Lý Xương Căn suy nghĩ rất nhiều về lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông đã quyết định thu xếp công việc tại Hàn Quốc và đưa cả gia đình trở về định cư tại Việt Nam vào năm 2000. Ông chia sẻ: "Cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời dặn dò của cụ đã “truyền lửa” cho tôi. Trong quá trình đầu tư về Việt Nam, dù ban đầu tôi gặp một số khó khăn do chưa am hiểu và thích ứng được với thị trường nhưng tôi chưa từng ân hận về quyết định hồi hương của mình".

Ông Lý Xương Căn hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Lý Miền Trung (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng), chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ các nguyên liệu tái chế để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ông Căn còn là Phó Chủ tịch Hội người Hàn Quốc tại Đà Nẵng và không ngừng nỗ lực đóng góp sức mình để xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Hàn ngày càng bền chặt.

Ông Lý Xương Căn - tên tiếng Hàn là Lee Chang Kun, sinh năm 1958 tại Seoul (Hàn Quốc). Ông là hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng Thúc Lý Long Tường.

Theo một số tài liệu lịch sử, Hoàng Thúc Lý Long Tường lớn lên khi vương triều nhà Lý đang suy vong và trong cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của triều Lý (1009-1225) và sự thay thế của triều Trần (1226-1400). Trước những biến cố đó, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài để ẩn tránh và phiêu dạt tới huyện Ủng Tân, nước Cao Ly (Koryo). Được vua Cao Ly ban cấp cho đất cư trú, Lý Long Tường cùng con cháu họ Lý nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly.

Năm 1253, Lý Long Tường đã cùng nhân dân Cao Ly đánh thắng cuộc xâm lăng của đế chế Mông Cổ. Công trạng của ông được vua Cao Ly ghi nhận và phong cho ông tước Hoa Sơn quân (Tướng Hwasan). Kể từ đó, các thế hệ con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và trở thành dòng họ nổi tiếng ở nước sở tại. Tại Hwasan có ngọn núi tên Quảng Đại Sơn, trên đỉnh có tảng đá bằng phẳng. Tương truyền xưa kia Lý Long Tường thường lên đó ngóng trông về phương Nam, thương nhớ quê nhà và vì thế, ngọn núi còn có tên Vọng Quốc Đàn hay Vọng Cố Hương.

Kể từ 1994 đến nay, hàng năm, các hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường ở Hàn Quốc vẫn hàng năm hành hương về dự lễ hội tại đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh. Ông Lý Xương Căn đã cùng những người nhiệt tâm lập Hội giao lưu Văn hóa Hàn - Việt nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và Hội kỷ niệm Hoàng tử Lý Long Tường nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên.