Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), mà cụ thể là ngành Trí tuệ nhóm (Collective Intelligence) GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành được biết đến là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Thành là người có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, có tính ứng dụng cao, là tổng biên tập của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành y tín, là chủ tịch của nhiều hiệp hội/tổ chức cũng như các hội nghị khoa học về công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo trên thế giới, là lưỡng quốc giáo sư (ở Ba Lan và Việt Nam)…
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành, sinh năm 1963 tại Quảng Trạch, Quảng Bình, nhưng ông đã theo học tại trường Quốc học Huế, và cùng lớp với TS. Lê Bá Khánh Trình (người được huy chương vàng tại kỳ thi Olympic toán quốc tế tại Luân Đôn năm 1979, với số điểm tuyệt đối 40/40).Nhưng khi được gặp ông trực tiếp ở ngoài đời, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự giản dị, gần gũi của ông, cũng như càng nể phục ông hơn khi thấy thấy sự đam mê, tâm huyết, và cống hiến hết mình của ông cho sự nghiệp khoa học, giáo dục ở cả Ba Lan và Việt Nam, cũng như cho thế hệ trẻ.
GS. Thành (giữa) trong Chủ tịch đoàn tại Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhóm ICCCI 2012, TP HCM tháng 11/2013 (Ảnh: NVCC) |
Giáo sư Thành cũng rất giỏi toán, nhưng như ông nói “số phận” đã rẽ ông sang một niềm đam mê mới, niềm đam mê của cả cuộc đời ông – khoa học máy tính. Đó là năm 1981, ông là một trong 20 sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất được nhà nước ta lựa chọn gửi sang Ba Lan học tập do chính phủ bạn tài trợ hoàn toàn, và ông đã theo học ngành công nghệ Thông tin tại trường đại học Bách khoa Wroclaw (Wroclaw University of Technology).
Với tư chất thông minh, cùng sự phấn đấu hết mình ông đã hoàn thành xuất sắc khóa học và nhận bằng thạc sỹ, rồi được chính phủ bạn tiếp tục cấp học bổng để nghiên cứu và học tập cao hơn. Ông đạt được học vị Tiến sỹ, rồi Tiến Sỹ Khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 1990, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên và cán bộ nghiên cứu, rồi bổ nhiệm học vị giáo sư của trường cũng như được tín nhiệm giao cho các chức vụ quản lý của khoa.
Trong suốt quá trình nghiên cứu tại đại học Bách khoa Wroclaw, GS. Thành đã đạt được rất nhiều thành tựu, với số lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và nhà xuất bản uy tín trên thế giới với hơn 250 bài báo khoa học, 40 đầu sách, và hai bằng sách chế. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu của ông đã được trính dẫn gần 1300 lần (theo thống kê của Google Scholar), trong đó có những công trình liên tục được trính dẫn nhiều nhất trong các năm 2008-2010 và 2009-2011 tại Tạp chí khoa học về Điều khiển và Hệ thống (Cybernetics and Systems) của nhà xuất bản Taylor and Francis (USA).Do những thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo, GS. Thành đã được cộng đồng khoa học chuyên ngành trên thế giới đánh giá rất cao, tín nhiệm, và đề cử giữ các trọng trách cao trong các hội/tổ chức chuyên ngành như IEEE, ACM.., tổng biên tập của 3 các tạp chí khoa học chuyên ngành của các nhà xuất bản y tín (Springer - Đức và Indescience – Thụy Sỹ) và 2 serie sách của nhà xuất bản IGI Global -Mỹ. Ông cũng là chủ tịch của trên dưới 20 hội nghị khoa học quốc tế về công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo… trên toàn thế giới.Trong giảng dạy, tính đến thời điểm hiện tại, giáo sư Thành đã hướng dẫn trên 200 thạc sỹ, 6 nghiên cứu sinh (3 Ba Lan, 1 Úc, 1 Ấn Độ, và 1 Việt Nam). Hiện nay, ông đang trực tiếp hướng dẫn cho 11 nghiên cứu sinh tại đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan trong đó có 2 người Việt Nam, và 1 nghiên cứu sinh tại trường Đại học Quốc gia Thành phố HCM, Việt Nam. Ngoài ra, ông liên tục được mời giảng bài tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các hội thảo khoa học trên khắp thế giới, như ở Thụy Sỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Với những đóng góp, và sự cống hiến to lớn của ông trong nghiên cứu và sự nghiệp giáo dục, ông đã được Tổng thống Ba Lan trao tặng Huân chương vì sự nghiệp giáo dục hạng Ba, rồi hạng Hai, được Bộ giáo dục và đại học trao tặng phần thưởng cho công trình nghiên cứu xuất sắc. Năm 2009, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan đã nức lòng, khi lần đầu tiên có một người Việt được Tổng thống Ba Lan phong học vị giáo sư cấp nhà nước, và người đó là giáo sư Thành. GS. Thành (phải) nhận kỷ niệm chương từ Hiệu trưởng ĐH Khoa học ứng dụng Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan 2012 (Ảnh: NVCC) |
Mặc dù rất bận rộn trong công việc nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, ông vẫn luôn hướng về Tổ quốc, và đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục ở nước nhà bằng những việc hết sức thiết thực và ý nghĩa. Ông trực tiếp tham gia giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam mỗi khi về nước, hướng dẫn nghiên cứu sinh trong nước, là cầu nói để đưa sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt ra nước ngoài học tập…
Bên cạnh đó, ông tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế về khoa học máy tính và công nghệ thông tin ở Việt Nam, để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước có cơ hội cọ sát, hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Gần đây, tháng 5 năm 2013, ông cùng GS Lê Thị Hoài An (và chồng bà là GS Phạm Đình Tảo ở Pháp) sáng lập và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về khoa học máy tính và toán học ứng dụng tại Ba Lan, nơi tập hợp trên 50 các nhà khoa học Việt Nam làm về toán ứng dụng, công nghệ thông tin ở Châu Âu.
Như ông nói, đây không chỉ là một diễn đàn khoa học, mà còn là một kênh kết nối các nhà khoa học Việt Nam để tham gia đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu và giáo dục nước nhà. Không dừng lại đó, ông còn vận động các nhà khoa học đầu ngành về khoa học máy tính và công nghệ thông tin, nhà xuất bản Springer lập ra một tạp chí khoa học quốc tế đầu tiên của Việt Nam – Tạp chí Khoa học Máy tính Việt Nam (Vietnam Journal of Computer Science), với sự tài trợ của trường đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là tạp chí miễn phí trong việc truy cập cũng như đăng bài, được các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới về công nghệ thông tin phản biện và biên tập, được xuất bản 4 số một năm bởi nhà xuất bản Springer. Tạp chí này là cơ hội rất lớn cho các nhà khoa học Việt Nam nói chung, và các nhà khoa học trẻ nói riêng trong lĩnh vực khoa học máy tính và công nghệ thông tin đăng bài có chất lượng. Những đóng góp của GS. Thành cho sự nghiệp giáo dục và giảng dạy nước nhà, đã được nhà nước ta ghi nhận, vinh danh. Năm 2011, ông đã được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, đặc cách phong danh hiệu giáo sư và bổ nhiệm về ĐH quốc gia TP HCM.
Trong cuộc sống thường nhật, ông là một người chồng, người cha hết lòng về gia đình. Khi đến thăm ông và gia đình, rồi được dùng cơm cùng gia đình ông, tôi cảm nhận được sự đấm ấm, nền nếp, hạnh phúc và tôn trọng lẫn nhau của các thành viên – một nét rất Việt Nam. Ông có một người vợ đảm đang, bà Vũ Thị Bích Ngọc, người luôn sát cánh bên ông trong cuộc sống, cũng như động viên ông trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục. Ông có hai người con trai thông minh, học giỏi và mong muốn theo lĩnh vực công nghệ thông tin như cha, trong đó người con đầu đang học đại học về công nghệ thông tin, người con thứ hai học rất giỏi toán, hiện đang là thành viên đội tuyển toán quốc tế của Ba Lan.
Với cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Ba Lan, ông không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn, người anh đi trước. Ông nghiêm khắc trong nghiên cứu, công việc, nhưng lại rất gần gũi, tình cảm. Ông sẵn sàng giúp đỡ khi các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập. Mặc dù rất bận rộn, nhưng ông luôn dành thời gian tham gia các sự kiện, buổi gặp gỡ của các du học sinh Việt Nam, nơi ông lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên thiết thực cho các bạn.
Khi được hỏi, ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam có mong muốn làm khoa học, ông trả lời “Để làm khoa học các bạn trẻ trước tiên phải có sự đam mê, quyết tâm và xác định cho mình những mục đích cụ thể, rõ ràng, có như thế mới thành công và bền vững được”./.