Ngày 7/10, đông đảo người dân Séc và khách quốc tế đã tới tham dự một lễ hội do các bạn trẻ thế hệ thứ hai người Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức ở thủ đô Praha để giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Đây là lần thứ hai lễ hội được tổ chức, thể hiện nỗ lực hội nhập và kết nối văn hóa của người Việt trẻ sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc.

vov_sec_ilew.jpg
Trẻ em Séc thích thú với trò chơi tô, vẽ tìm hiểu về Việt Nam.
Mang tên “Banana Festival” hay còn gọi là “Lễ hội trẻ chuối”, nhưng nó hoàn toàn không phải giới thiệu sản phẩm chuối, mà đơn giản nó biểu tượng cho thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt tại Cộng hòa Séc đang tự khẳng định mình trong quá trình hội nhập vào xã hội sở tại, nhưng luôn tự hào về nguồn gốc của mình.

Đến với sự kiện, người dân Séc và quốc tế đang sống, làm việc tại Séc không những tìm hiểu về lịch sử, nền văn hóa đa dạng nhiều sắc tộc, tiềm năng du lịch, văn hóa ẩm thực của Việt Nam, mà còn trải nghiệm các kỹ năng sống do chính các bạn trẻ Việt Nam trình diễn.   

Kể từ lần đầu tiên tổ chức năm 2016, sự kiện ngày một thu hút sự tham gia của nhiều nhóm, tổ chức do các bạn trẻ người Việt thành lập tại Séc, với mong muốn giới thiệu sâu hơn về hình ảnh của Việt Nam tới người dân sở tại, cũng như sự lớn mạnh và tài năng của thế hệ người Việt trẻ tại đây.

Một bài diễn thuyết về du lịch Việt Nam thu hút đông đảo người dân Séc tham dự.
Bạn Nguyễn Mạnh Tùng, thành viên của VietUp, một trong những nhóm bạn trẻ tổ chức sự kiện cho biết, Festival này nhằm mục đích để người Séc biết người Việt Nam ở nước sở tại có cả thế hệ thứ hai, thứ ba, và họ không chỉ là người Việt Nam biết tiếng Séc hay bán hàng trong các cửa hàng, mà họ có hoạt động riêng của họ. Thông qua chương trình này, các bạn muốn giới thiệu cho người Séc về văn hóa Việt Nam, về thế hệ thứ hai với cái nhìn như một thế hệ mới văn minh, được giáo dục, đào tạo.

Nhiều người Séc háo hức học cách gói nem cuốn của Việt Nam.
Trong không gian rộng lớn khoảng 1.000m2, các bạn trẻ đã tổ chức thành nhiều bàn theo từng chủ đề chuyên biệt khác nhau để giới thiệu với người xem như: chủ đề về lịch sử, văn hóa, ẩm thực Việt Nam hay cách sơ cứu người khi bị tai nạn, sửa chữa cơ khí, vật dụng thông dụng trong gia đình… luôn thu hút số lượng lớn người xem và thực hành.

Ban tổ chức cũng bố trí không gian riêng trưng bày chiếc nón lá Việt Nam hay một khu chơi tô, vẽ dành riêng cho trẻ em người Séc. Bên cạnh đó là các buổi diễn thuyết về tiềm năng du lịch Việt Nam, sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, hay những chia sẻ thú vị của một nhà báo Séc có may mắn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh…...

Biết thông tin về lễ hội qua trang mạng xã hội Facebook, bà Jarmila Simunkova, 58 tuổi sống ở thủ đô Praha, cho biết bà rất hiếu kỳ về tên của sự kiện và muốn đến tận nơi để khám phá nó.

“Trước khi tới sự kiện này, tôi rất tò mò muốn biết các bạn thanh niên Việt Nam sẽ giới thiệu gì về Việt Nam. Khi đến đây, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các bạn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam, bên cạnh những kỹ năng sống dành cho mọi đối tượng trong xã hội. Chúng thật hữu ích với những người như chúng tôi” – bà Jarmila Simunkova chia sẻ.

Bà Jarmila Simunkova ngạc nhiên về khả năng tổ chức của các bạn trẻ người Việt giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại Séc.
Còn chị Vladka Kubickova và các con bị thu hút bởi bàn giới thiệu nem cuốn của Việt Nam. Chị rất thích ẩm thực Việt Nam, nhất là món nem cuốn có rau, thịt và bún, có lợi cho sức khỏe. Chị đang cố gắng học cách gói nem để giới thiệu với gia đình và bạn bè.

Rất nhiều các sự kiện văn hóa được tổ chức tại Cộng hòa Séc trong thời gian vừa qua nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, và “Lễ hội trẻ chuối” là một trong những hoạt động như vậy. Việc tổ chức sự kiện này một lần nữa giúp người dân Séc hiểu hơn về Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, góp phần xóa nhòa khoảng cách giữa người Việt và người dân địa phương. Đồng thời cho thấy thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc đang ngày càng tự khẳng định mình trong quá trình hội nhập vào xã hội sở tại, nhưng không quên nguồn cội của mình./.