Đó là chia sẻ của 2 trong số hơn 25 đại biểu kiều bào về nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9 vừa qua.
Những đôi mắt luôn dõi theo Việt Nam
Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII và hiện là Phó Trưởng Đại diện tập đoàn Shimizu, Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện đang lớn mạnh nhanh chóng về số lượng với tổng số 330.000 người. Đây là một cộng đồng trẻ với hơn 190.000 người sang Nhật tu nghiệp hoặc học tiếng Nhật ngắn ngày.
Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ về mối quan tâm của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với những vấn đề nóng của đất nước. |
Tiến sĩ Quốc chia sẻ, dù là một cộng đồng trẻ với nhiều biến động và còn rất nhiều việc phải giải quyết hàng ngày, bà con Việt kiều tại Nhật Bản luôn quan tâm, hướng về đất nước, đặc biệt là luôn có những hành động thiết thực để cùng cất lên tiếng nói của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Tại Nhật Bản, trong những năm gần đây đã có rất nhiều cuộc tuần hành trong ôn hòa, theo đúng luật pháp của nước sở tại được tổ chức để phản đối những hành động sai trái, vi phạm chủ quyền lãnh hải và tấn công các ngư dân Việt Nam. Người Việt Nam ở Nhật Bản là một trong những cộng đồng rất tích cực nói lên chính kiến của mình trong vấn đề này”, Tiến sĩ Quốc chia sẻ.
Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản cũng quan tâm nhiều đến một số vấn đề nổi cộm khác trong nước như tình trạng bạo lực trong gia đình, trong nhà trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc và mất an toàn giao thông và rất mong đợi Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những hành động quyết liệt và những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, ông Trần Bá Phúc- Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, cho biết, ông luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đưa hàng hóa Việt Nam sang Australia- nơi có cộng đồng Việt Nam lớn thứ 2 trên thế giới- để quảng bá về hàng hóa và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới.
Hội cũng vận động cộng đồng người Việt Nam ở Australia sống tốt, hội nhập sâu rộng để người bản địa có thiện cảm với bà con Việt kiều, với đất nước, quê hương Việt Nam.
Ông Phúc cho biết, là một người con xa xứ được trở về Việt Nam dịp này, ông cũng như hàng triệu người Việt trên khắp thế giới rất vui mừng khi thấy Việt Nam được bầu là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Điều này cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng được cải thiện và bà con kiều bào hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho đất nước.
Ông Trần Bá Phúc vui mừng nhận thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện. |
Lan tỏa tình yêu đất nước tới các thế hệ kế tiếp
Để cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài gắn kết hơn với quê hương, đất nước, việc dạy và học tiếng Việt cho các em luôn là vấn đề được đặc biệt coi trọng.
Nhận thức được vấn đề này, Tiến sĩ Quốc cho biết, gần đây, có một nhóm nhỏ tự phát đã thành lập trường Việt ngữ Tokyo. Gọi là tự phát bởi trường do một nhóm phụ huynh đứng ra thuê địa điểm, cơ sở vật chất và tìm giáo viên để dạy tiếng Việt dạy cho con em của họ để những con em thế hệ thứ 2 sinh ra tại Nhật Bản vẫn có thể nói được tiếng Việt và luôn luôn hướng về quê hương, không mất đi nguồn cội của mình.
Theo Tiến sĩ Quốc, dù đây là một hoạt động rất đáng được hoan nghênh nhưng ông muốn hoạt động này trong thời gian tới sẽ không còn là tự phát nữa mà sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
“Chúng tôi mong giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại Nhật Bản và ở nhiều nước khác sẽ được đăng tải trực tuyến để bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu vẫn có thể học được Tiếng Việt và có được phương pháp khoa học để dạy tiếng Việt cho con em của mình”, Tiến sĩ Quốc đề xuất.
Cũng theo Tiến sĩ Quốc, không chỉ quan tâm, dạy dỗ tiếng Việt cho trẻ em người Việt thế hệ thứ 2, 3 tại Nhật Bản, nhiều người Việt đang rất thành đạt và có tầm ảnh hưởng lớn tại cộng đồng cũng đã trở thành tấm gương sáng cho các em noi theo về những đóng góp tích cực của họ không chỉ với đất nước Nhật Bản nơi họ sinh sống mà còn cả với Tổ quốc Việt Nam.
Một trong những trường hợp hết sức tiêu biểu là Giáo sư Đại học Waseda Trần Văn Thọ. Ông Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam và sang Nhật Bản du học năm 1967 theo chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Mặc dù đến nay đã sống ở Nhật Bản hơn 50 năm nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Giáo sư Thọ từng tham gia Tổ tư vấn kinh tế và Ban nghiên cứu chính sách thời kỳ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Tháng 7/2018, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất kỳ việc gì, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về Tổ quốc. |
Để có thể tiếp tục thúc đẩy sự đóng góp tích cực của 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cho quê hương, đất nước, Tiến sĩ Quốc và ông Trần Bá Phúc đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần nâng cao hơn nữa vai trò kết nối với kiều bào, cung cấp cho họ thêm thông tin, công cụ và tổ chức hướng dẫn cụ thể hơn nữa để mỗi kiều bào sẽ trở thành một đại sứ tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối ngoại nhân dân, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới./.