Tham dự lễ khánh thành có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Giám đốc Viện Châu Á đương đại, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga Babaev Kirill, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nga Đỗ Xuân Hoàng, cùng các học giả, chuyên gia Nga nghiên cứu về Việt Nam và đông đảo sinh viên Nga đang theo học tiếng Việt.

Được thành lập theo sáng kiến của Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev và được đặt tại trung tâm khoa học hàng đầu nghiên cứu về châu Á, Phòng Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi hội tụ của những ý tưởng phát triển quan hệ trong lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và LB Nga, địa điểm trao đổi ngôn ngữ Nga, Việt.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi khẳng định: giáo dục là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Hơn 50.000 sinh viên Việt Nam đã và đang theo học tại các trường đại học ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Hàng năm, Chính phủ Việt Nam cấp hạn ngạch cho nhiều công dân Nga theo học các chương trình khác nhau. Ở Nga, giới trẻ đang ngày càng quan tâm đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

"Phòng Việt Nam sẽ là nơi tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận những kiến ​​thức khoa học hiện đại về Việt Nam, là địa chỉ thông tin hữu ích để tìm kiếm độc giả, nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, trao đổi ý kiến. qua đó góp phần phát triển và tăng cường quan hệ Việt - Nga, đặc biệt là việc phối hợp nghiên cứu và phổ biến kiến ​​thức trong lĩnh vực khoa học xã hội. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ và cung cấp các tài liệu cập nhật về Việt Nam cho phòng Việt Nam này”, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.

Việc đưa Phòng Việt Nam đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Không chỉ là mối quan hệ về chính trị, kinh tế, thương mại mà cả về xã hội, nhân văn, trong đó, ngôn ngữ và văn hóa là những nhân tố hết sức quan trọng.

Bà Elena Nhikulina, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Châu Á, Viện Châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Có thể những bài giảng, những cuộc gặp gỡ sẽ thúc đẩy sự phát triển của việc nghiên cứu Việt Nam ở Nga và góp phần để 2 nước chúng ta xích lại gần nhau hơn. Độc đáo ở chỗ, đây là nơi duy nhất ở Nga hiện nay được gọi là phòng thư viện nhưng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Châu Á, Viện Châu Á đương đại của chúng tôi lại quyết định gọi đó là Phòng Việt Nam. Tôi nghĩ sẽ không có một phòng thứ 2 tương tự như vậy trong tương lai gần".