2 giải nhất, 3 giải nhì và 3 giải 3 được trao cho những thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi. Năm nay, cuộc thi được chia theo 3 nhóm thí sinh: thạc sỹ, sinh viên năm 3 năm 4 và sinh viên năm 2. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi có sự tham gia của các sinh viên năm 2.

Vinh dự giành giải 3 ở nhóm thí sinh trình độ thạc sỹ, bạn Mikhail Stepanishchev, sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow bày tỏ: "Em rất vui khi được tham gia cuộc thi dịch lần này. Em hy vọng việc tham gia cuộc thi sẽ giúp em nói tiếng Việt và dịch tiếng Việt được tốt hơn trong thời gian tới".

Cuộc thi được Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow tổ chức theo sáng kiến của cô Svetlana Klazunova, giáo viên cao cấp của Học viện. Trong lần thứ 3 này, nội dung dịch thuật tập trung vào lĩnh vực chính trị xã hội.

Sự tham gia tích cực của các em sinh viên đã góp phần khẳng định ý nghĩa của cuộc thi, góp phần phổ biến và chuẩn hóa ngôn ngữ Việt Nam ở Nga đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Liên bang Nga và Việt Nam.

Ông Andrey Alechseevich - nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, Trưởng ban giám khảo cuộc thi khẳng định, việc cô Svetlana Klazunova khởi xướng cuộc thi này là một sự dũng cảm, bởi tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó, so với các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha thì số lượng sinh viên Nga học tiếng Việt còn khá khiêm tốn.

Ông Andrey Alechseevich nói: "Ngôn ngữ này khó nhưng rất hay. Tôi nghĩ rằng việc thành thạo Tiếng Việt trên thực tế là hoàn toàn khả thi. Và điều này là rất cần thiết dựa trên quy mô hợp tác giữa 2 nước chúng ta".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga- Việt, truyền thống và hữu nghị, thành viên Ban giám khảo nhận xét: "Tôi thấy có sự tiến bộ rõ rệt ở các thí sinh dự thi năm nay. Ngoài sự hiểu biết về ngôn ngữ thì các em đã mở rộng kiến thức nền về chính trị xã hội. Khoảng cách giữa các thế hệ người Nga nghiên cứu tiếng Việt đang bị hụt hẫng, trong khi việc đào tạo các nhà Việt Nam học đang là một vấn đề hết sức cấp thiết. Hiện nay ở Nga đã có cuộc thi dịch thuật tiếng Việt ở các trường đại học và tôi muốn rằng tiếng Việt cũng phát triển ở các trường phổ thông để các em không chỉ có kiến thức mà còn cảm thụ được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam".

Tham dự cuộc thi với Arina, sinh viên năm 4, Đại học Ngôn ngữ Moscow là một sự thử sức, đồng thời. cuộc thi giúp em tiến gần hơn đến  ước mơ của mình: "Tôi rất thích được làm việc với tiếng Việt vì tôi đã sang Hà Nội và rất thích Việt Nam. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm việc trong lĩnh vực dầu khí, ví dụ như ở Vũng Tàu vì lĩnh vực này rất thú vị đối với tôi". Bên lề cuộc thi, các đại biểu đã tham gia Hội thảo bàn tròn về quan hệ ngoại giao Nga - Việt Nam.